Cổ phiếu của tập đoàn Sharp, vốn đang gặp nhiều khó khăn, tăng mạnh ngày thứ Tư sau những tin tức nói đối thủ Hàn Quốc Samsung của hãng đã trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất của Sharp. Cổ phiếu Sharp tăng 17,06% lên 350 yen trong phiên giao dịch mở cửa ở Tokyo trước khi giảm dần xuống 339 yen vào giờ nghỉ trưa. Sự biến động lớn này là do những tin tức từ nhật báo kinh doanh hàng đầu Nhật Bản Nikkei và các phương tiện truyền thông khác nói Samsung dự tính đầu từ vào Sharp để tăng cường khả năng tiếp cận với những màn hình được sử dụng trong các máy tính bảng và điện thoại thông minh bán chạy của hãng này, một lĩnh vực mà công nghệ của Sharp thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Sharp sẽ bán cho Samsung các cổ phiếu mới trị giá 10 tỉ yen (108 triệu USD), chiếm 3% tổng số cổ phần và khiến Samsung trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất của Sharp, theo các tin tức. Sharp từ chối bình luận về tin tức này. [Hai ông lớn Nhật Bản Sharp, Panasonic thua lỗ lớn] Quyết định chấp nhận vốn từ một công ty nước ngoài, về mặt lịch sử là rất hiếm thấy với một công ty Nhật Bản, sẽ đánh dấu bước lùi lớn không chỉ của chính công ty này, mà của các hãng chế tạo Nhật Bản, theo lời Hiroshi Sakai, kinh tế gia trưởng ở Trung tâm nghiên cứu SMBC Friend. “Với Nhật Bản, tin tức về Sharp mang tính biểu tượng và là một cú sốc. Hãng này đã luôn dẫn đầu trong ngành công nghệ cao, đang gặp khó khăn, trong khi đối thủ Samsung đang nhanh chóng qua mặt,” ông nói. Tuy nhiên, thỏa thuận mới sẽ không thể giải quyết mọi vấn đề của Sharp. Mới đây họ đã phải cắt giảm nhiều việc làm và thu gọn việc kinh doanh sau khi thông báo thua lỗ 4,6 tỷ USD trong chín tháng tính tới tháng 12/2012. Đối thủ của Sharp, Sony, cũng đã phải bán trụ sở ở Manhattan và một tòa nhà văn phòng lớn tại Tokyo để huy động tiền mặt. Panasonic, một hãng Nhật Bản khác, cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Hãng điện tử Sharp đang gặp nhiều khó khăn (Nguồn: AFP)
Sakai nói tình hình hiện tại sẽ khiến các thỏa thuận giữa các công ty Nhật và nước ngoài tăng. “Nhiều hãng chế tạo điện tử Nhật Bản đang vật lộn để tồn tại. Nhưng họ vẫn có các công nghệ hấp dẫn và một số đối thủ nước ngoài sẽ quan tâm”, ông nói. Ngành chế tạo điện tử của Nhật gặp hàng loạt vấn đề từ đồng yen giá cao, mức cầu yếu ở các thị trường chính, cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, nhất là trong ngành sản xuất ti-vi, cũng như các sai lầm chiến lược khiến họ tụt lại phía sau./.
Trần Trọng (Vietnam+)