Showbiz Việt làm quen với... choáng váng

Một liveshow của ngôi sao giải trí khu vực (có sự trợ giúp của các ngôi sao giải trí hàng đầu trong nước), đầu tư lên tới khoảng 3 tỷ đồng, mà thu hút không đầy 4.000 khán giả, trong đó một khoảng một nửa là... vé mời đã được xem là thành công.

Tour xuyên Việt hoành tráng với "dàn sao" của một "thế lực" hàng đầu trong giới ca nhạc Việt mà không thu hút nổi 1.000 khán giả/đêm. Dù đã được báo trước, song showbiz Việt vẫn phải làm quen với những con số choáng váng như thế.
Một liveshow của ngôi sao giải trí khu vực (có sự trợ giúp của các ngôi sao giải trí hàng đầu trong nước), đầu tư lên tới khoảng 3 tỷ đồng, mà thu hút không đầy 4.000 khán giả, trong đó một khoảng một nửa là... vé mời đã được xem là thành công.

Tour xuyên Việt hoành tráng với "dàn sao" của một "thế lực" hàng đầu trong giới ca nhạc Việt mà không thu hút nổi 1.000 khán giả/đêm, thậm chí, có đêm số vé bán không vượt quá con số 300.

Dù đã được báo trước, song showbiz Việt vẫn phải làm quen với những con số choáng váng như thế.

Giấc mơ trở lại

Live show "Vũ khúc nam phong" với nhân vật trung tâm là ngôi sao truyền hình và ca nhạc TVB (Hongkong) Lâm Phong được trợ giúp thêm với "nữ hoàng quảng cáo" - người đẹp "hot" nhất trên các sàn diễn hiện nay Hồ Ngọc Hà, "ngôi sao nhạc mạng" Bảo Thy và ngôi sao nhạc teen Lương Bích Hữu, diễn ra tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (tòa nhà SECC tại Phú Mỹ Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh) tối 22/7 vừa qua có thể xem là sự trở lại đầu tiên kể từ sau giấc mơ đeo đuổi việc tổ chức show quốc tế ở Việt Nam gãy cánh cùng Bi-Rain của công ty giải trí Hàn Quốc và công ty D&D Việt Nam.

Lần này, người dựng lại giấc mơ là Fune House, một cái tên mới toe trong làng showbiz Việt, nhưng xem ra có khá nhiều tham vọng.

Theo tiết lộ của công ty này thì sau Lâm Phong, năm 2010, Fune House sẽ tiếp tục tổ chức live show của một ngôi sao ca nhạc Hongkong nữa, sau đó sẽ là ngôi sao của Đài Loan, Hàn Quốc và cả Mỹ.

Tuy không phải là một ngôi sao ca nhạc đúng nghĩa, nhưng Lâm Phong, một gương mặt quen thuộc trong các phim bộ của truyền hình TVB đã được chiếu rộng rãi trên truyền hình Việt Nam, khá thích hợp cho sự ra mắt của Fune House.

Với cộng đồng người Hoa đông đảo tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhạc Canto pop (pop Hongkong) rất phát triển tại đây (ngôi sao của làng nhạc tphcm một thời là chàng trai gốc Hoa Tiêu Lam Trường, và ngôi sao nhạc teen ngày nay cũng là một "cô gái Trung Hoa" - Lương Bích Hữu), nên Lâm Phong dễ dàng có các fan hâm mộ thực sự (cần nhấn mạnh chữ thật sự, vì đã có một vài ngôi sao quốc tế khác biểu diễn ở Việt Nam, các fan của họ cũng biểu diễn sự hâm mộ của mình nhưng thậm chí họ còn không thể hát theo bài của thần tượng) cũng như có thể giao lưu dễ dàng bằng tiếng mẹ đẻ.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã rất khôn khéo "đánh bóng" không khí giao lưu này một cách ấn tượng và tạo được cảm xúc thật giữa ngôi sao và fan hâm mộ, giữa nhân vật chính - Lâm Phong và các khách mời - Hồ Ngọc Hà, Bảo Thy, Lương Bích Hữu để làm mờ đi điểm yếu ca hát và trình diễn của Lâm Phong.

Ánh sáng và thiết kế sân khấu hiện đại "đánh bóng" cho âm nhạc tiết tấu, để làm "mờ" đi chất lượng âm thanh khá tệ (do thực hiện trong khu vực nhà triển lãm không hề có các lớp xốp cách âm, vốn không được thiết kế dành cho biểu diễn ca nhạc).

Nói về "show" thì có thể xem "Vũ khúc nam phong" là một show giải trí được thực hiện khá chuyên nghiệp và sạch sẽ. Có mặt trong đêm diễn này, một ngôi sao trong làng ca nhạc Việt Nam thú nhận "mơ ước có một đêm diễn tương tự".

Thế nhưng, "biz" (business - kinh doanh) trong showbiz Việt mới là cả một vấn đề. Với một show giả trí cỡ "Vũ khúc nam phong", theo ước tính của một nhà sản xuất chương trình có kinh nghiệm, vốn đầu tư không dưới 3 tỷ đồng, thì việc thu hút khoảng 10.000 khán giả lẽ ra phải là chuyện đương nhiên, và chỉ khi ấy nhà sản xuất mới biết đến chữ "biz".

Nhưng đoán trước tình hình, thay vì thuê toàn bộ trung tâm SECC (có sức chứa khoảng 8.000 khán giả), công ty Fune House chỉ "dám" thuê một nửa mặt bằng này (khoảng 4.000 chỗ). Và số vé bán ra thực tế cũng chỉ chiếm khoảng 1 nửa số vé phát hành, trong đó không ít vé đã phải "đại hạ giá" (dù giá vé không cao so với mặt bằng chung: từ 200.000 đến 1 triệu đồng).

Ước tính, số tiền thu được về từ bán vé của live show này không thể vượt quá con số 1 tỷ đồng, tương đương khoảng 1/3 chi phí đầu tư.

Trong khi đó, nhà tài trợ ở show này xem như chỉ để tên cho vui: khách sạn tài trợ chỗ ở, hãng xe tài trợ xe đi lại, mấy chương trình ca nhạc trên đài và trên mạng tài trợ thông tin...

Choáng váng cũng trở lại

Nhưng thế vẫn được xem là thành công, vì khán phòng cũng được lấp đầy và không khí đêm diễn khá tốt. Bởi vì trước đó chỉ vài ngày, tour diễn hoành tráng của công ty Những gương mặt âm nhạc (Music Faces) với đầy đủ các gương mặt có khả năng ăn khách từ mọi loại khán giả, từ Hồ Ngọc Hà, Phương Vy, Phạm Anh Khoa, Lê Hiếu, Hoàng Bách đến Lâm Chấn Huy, Quốc Thiên, Anh Khang, Liêu Anh Tuấn, vừa kết thúc chuỗi live show "choáng váng" của mình.

"Choáng váng" vì dù biết live show đang ở trong cơn khốn khó, nhưng ít ai có thể ngờ một lực lượng ca nhạc sĩ hùng hậu như Music Faces với nhà sản xuất nổi tiếng mát tay với thị trường, đụng đâu thắng đó như Đức Trí, là live show chỉ thu hút được 500 - 600 khán giả mỗi đêm (tại Đà Nẵng được xem là thành công nhất cũng chỉ thu hút được khoảng 1.000 người), trong khi giá vé đã được kéo xuống rất thấp. Tại Hà Nội giá vé chỉ từ 70.000 - 100.000 đồng, tại Vũng Tàu và Cần Thơ đồng loạt chỉ 40.000 đồng.

Ông bầu của Music Faces, ông Nguyễn Thanh Bình, còn phải kêu lên với báo giới là không tưởng tượng nổi một live show chỉ có khoảng 500 khán giả (tại Hà Nội)! Mà thực tế, số lượng vé bán ra (liên quan tới doanh thu thực tế của đêm diễn), cũng tương tự ở show Lâm Phong, chỉ bằng khoảng một nửa số khán giả có mặt! Số lượng khán giả ít... kỷ lục khiến ca sĩ, dù chuyên nghiệp mấy cũng phải "lạnh người".

Nghe nói, ở cuối tour, ngôi sao Hồ Ngọc Hà không "dám" tới sân khấu trước giờ diễn tiết mục của mình vì không muốn "mất tinh thần" khi nhìn xuống ghế khán giả!

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế choáng váng nói trên, cụ thể là dẫn đến thực tế Việt Nam đang mất dần thị trường ca nhạc mà mươi năm trước đã manh nha hình thành, xin trở lại trong một bài viết khác. Vấn đề là ngay cả khi biết "bệnh" cũng chưa thể ngày một ngày hai "chữa" hết "bệnh", mà cần phải... biết choáng váng và biết chuẩn bị để tránh... choáng váng.

Sắp tới đây, live show Việt lại tiếp tục "lên đường". Ngày 8/8, Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu live show Người tình xuyên Việt tại Hà Nội, sau đó tại Hải Phòng (14 và 15/8), tại Đà Nẵng (21 và 22/8), Khánh Hòa (4 và 5/9). Ngày 29/8, Đức Tuấn thực hiện đêm diễn nhạc kịch duy nhất của mình tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Những cố gắng này ít nhiều hy vọng sẽ góp phần "rã đông" thị trường trong nước được chăng?
(TT&VH cuối tuần/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục