Sĩ tử ùn ùn lai kinh dự thi, các bến xe “ngộp thở”

Chỉ còn hai ngày nữa, Kỳ thi đại học đợt 1 sẽ chính thức diễn ra. Nhiều sĩ tử và người thân đã bắt đầu đổ về lai kinh dự thi từ sáng nay (1/7) với tâm lý đi sớm cho khỏi tắc, lại có nhiều thời gian tìm chỗ trọ, địa điểm thi.

Hầu hết, các bến xe lớn trong thành phố đều phải “gồng” mình “gánh” lượng khách tăng đột biến do dòng người ùn ùn đổ về Hà Nội.
Chỉ còn hai ngày nữa, Kỳ thi đại học đợt 1 sẽ chính thức diễn ra. Nhiều sĩ tử và người thân đã bắt đầu đổ về lai kinh dự thi từ sáng nay (1/7) với tâm lý đi sớm cho khỏi tắc, lại có nhiều thời gian tìm chỗ trọ, địa điểm thi.

Hầu hết, các bến xe lớn trong thành phố đều phải “gồng” mình “gánh” lượng khách tăng đột biến do dòng người ùn ùn đổ về Hà Nội. Dọc các tuyến đường gần bến xe, hàng trăm lượt xe nối đuôi nhau ra vào bến đã khiến nhiều tuyến đường rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Phía trong bến, hàng nghìn sĩ tử cùng người thân cũng được phen mướt mồ hôi vì chen lấn.

Ùn ùn lai kinh dự thi

Ngay trong sáng nay, dòng người đã liên tục đổ về các bến xe. Nhiều tuyến phố hướng về nội thành trên địa bàn thủ đô đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ do lượng người nhà và thí sinh bắt đầu hành trình đổ về thành phố chuẩn bị dự thi đại học.

Tại các đường xung quanh khu vực bến xe như Phạm Hùng, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng… các phương tiện nối đuôi nhau xếp thành hàng dài, còi xe bấm inh ỏi.

Lượng phương tiện đổ xô cùng một thời gian khiến các tuyến đường này rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ ở những điểm dừng đỗ đèn đỏ, dòng người phải ì ạch di chuyển mấy nhịp đèn mới thoát khỏi ùn tắc.

Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên, lượng khách từ các tỉnh đến Hà Nội cũng đông gấp nhiều lần ngày thường. Thí sinh kè kè ôm cặp sách, trong khi các bậc phụ huynh tay xách nách mang đồ dùng cá nhân.

[Tăng cường gần 600 lượt xe phục vụ kỳ thi đại học]

Mặc dù các khu vực đỗ xe thường ngày tại bến đã được mở rộng ra phía ngoài nhưng vẫn không “gánh” nổi lượng xe lớn đột biến ngày hôm nay.

Nhiều xe vào bến nhưng không có chỗ đậu phải nối đuôi nhau nằm dài trên con đường dẫn vào các bến.

Hai bên hông của khu vực bến, địa điểm các xe trả khách và cũng là nơi các thí sinh chờ người nhà ra đón. Từng toán xe ôm, taxi tập trung đón khách càng khiến cho khu vực này trở nên đông đúc, giao thông hỗn loạn, nhốn nháo.

Phía cửa chính của bến, hàng ngàn người chen chúc, ai cũng rảo bước mong nhanh chóng thoát khỏi bể người chật như nêm.

Ngồi bệt tựa lưng vào tường nhà chờ bến xe Giáp Bát, mặt lấm tấm mồ hôi, đôi mắt nhắm nghiền lại, Nguyễn Thị Hà, cô học sinh quê ở Thái Bình tỏ vẻ mệt mỏi sau hành trình dài.

Cầm chiếc khăn lau mồ hôi, Hà bảo, hai mẹ con dậy từ sáng sớm bắt xe lên Hà Nội. Xe vừa đi, vừa bắt khách dọc đường, thế nên, tận trưa mới có thể lên đến nơi. Nhà xe cũng tận dụng tối đa cơ hội để nhồi nhét tới 3 người vào hai ghế, kê thêm một hàng ghế nhựa dọc xe.

Thậm chí, vừa xuống đến nơi, mẹ con Hà đã bị vây kín bởi đội quân xe ôm đợi sẵn. Vất vả lắm, hai mẹ con mới gồng gánh được đống đồ đạc thoát đến nơi “an toàn.”

Kể về việc chuẩn bị lều chõng dự thi, ngay từ tối qua, mẹ Hà đã chuẩn bị đồ đạc cũng như những vật dụng cần thiết như quạt, gạo, hòm sắt… để có thể tạm trú mấy ngày trên thủ đô.

“Ở huyện vốn đã ít xe, người lên chỉ thấy học sinh và phụ huynh. Nhà xe cứ nêm người, chặt không nhích được nhưng chả ai dám kêu ca bởi không đi thì cũng hiếm xe sau,” Hà bộc bạch.

Đồng cảnh ngộ và mặc dù đã có kinh nghiệm đưa con đi thi hai lần, song bác Phạm Minh (Thanh Hóa) cũng không thể tránh cảnh nhà xe “nhồi” khách.

Năm ngoái, bác Minh cũng được “trải nghiệm” cảm giác chen chúc tới ngạt thở này mặc dù đã lên trước 4 ngày.

“Năm nay bận việc cấy cày đồng ánh nên sát ngày thi mới đi được, ai ngờ đông đến mức này, cả tuyến hầu như phải đứng vì không có chỗ ngồi. Phần lớn phụ huynh phải ngồi gế nhựa nhường chỗ cho các cháu để có sức khỏe ôn thi sau một hành trình dài và bỡ ngỡ lên Thủ đô,” bác Minh chia sẻ.

Nhiều sĩ tử và phụ huynh cũng cho biết, tại một số tuyến huyện chạy lên Hà Nội, nhà xe đã tự ý “bắt chẹt” hành khách bằng cách tăng giá vé gấp 1,5 lần. Tuy vậy, họ vẫn phải ngậm ngùi lên xe vì những chặng hành trình này, số xe ít và không đáp ứng kịp thời nhu cầu đột biến về lượng người thân và sĩ tử lên kinh dự thi.

Xe buýt “nêm” khách, áo xanh hỗ trợ thí sinh

Ghi nhận của phóng viên, ở các bến, càng về cuối giờ trưa, lượng người tan giờ làm “cộng hưởng” với hành khách đổ xô về Hà Nội đã khiến tình hình giao thông càng thêm căng thẳng.

Trong khu vực nhà chờ xe buýt ở các bến xe, thí sinh và người thân xếp kín dọc đường đợi bắt xe khách. Những tuyến xe buýt của các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… đổ về bến đông nghẹt khách.

Dọc các tuyến đường có các điểm dừng đón xe buýt, dòng người đứng tràn cả ra lề đường để có thể nhanh chân leo lên xe.

Nhấp nhổm đợi xe bên đường Nguyễn Văn Cừ, em Phạm Thị Hoài Lâm, ở Nam Định bảo, em đứng đợi gần 1 giờ đồng hồ mà chưa bắt được xe về địa điểm thi trường Đại học Nông nghiệp 1.

“Để về trường thi, hai mẹ con vẫn phải nhảy 2 tuyến xe nữa. Xe buýt đông đến mức đứng một chân cũng không còn chỗ. Nhưng khi xe táp vào lề đường, ai ai cũng vội vã lên. Hành trình về trường thật dài và mệt,” Hoài Lâm than thở.

Trên các tuyến xe buýt, rất đông người chen chân, dồn ứ để có thể lên xe. Các tuyến xe buýt đông nghịt người. Thậm chí, tại các cửa lên, xuống đều nghẽn người đứng và vịn không hở ra một chỗ trống nào.

Một số tuyến buýt chạy qua nhiều trường đại học đã “ken cứng” người nên khi qua các điểm dừng, các cửa lên đều đóng im lìm và các tài xế nhanh chóng cho xe rời điểm.

Trong bối cảnh đó, hình ảnh các bóng "áo xanh" tình nguyện xuất hiện đã làm bớt cái nắng, cái nóng và chia sẻ với sự vất vả của các thí sinh.

Hàng loạt dãy bàn tư vấn được xếp sắp chờ đón thí sinh được bố trí sẵn sàng, băng zôn khẩu hiệu bắt mắt cùng nhiều tờ rơi bản đồ phát miễn phí để giúp thí sinh có một bước đầu của kỳ thi thành công trọn vẹn.

Không chỉ hỗ trợ thông tin về nhà trọ, năm nay, tại các bến xe đầu mối, các đội thanh niên tình nguyện còn sẵn sàng “sắm vai” những bác xe ôm tốt bụng miễn phí cho thí sinh và người nhà.

Ngoài sự xuất hiện cánh xe ôm sinh viên và những người dẫn mối nhà trọ tốt bụng, các thí sinh lai kinh năm nay còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ các hội đồng hương.

Mặt vẫn còn đỏ gay sau một “cuốc” xe về Lê Thanh Nghị, nhưng bạn Đinh Tiến Thành, sinh viên hội đồng hương Nghệ An lại nở nụ cười tươi.

Thành chia sẻ, gần một tuần nay, các bạn sinh viên gốc Nghệ An đang theo học tại nhiều trường trên Hà Nội đã lên danh sách và phân công nhiệm vụ công việc trợ giúp thí sinh của tỉnh.

“Những thí sinh và người nhà nếu có nhu cầu đều có thể được phục vụ miễn phí, và được ‘khuyến mãi’ thêm những thông tin tư vấn khác,” Thành nói./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục