Siết chặt việc quản lý nhà biệt thự tại Hà Nội

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, công tác bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự thời gian qua rất yếu kém.
Ngày 25/2, tại buổi góp ý vào Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Xây dựng dự thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá công tác bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự thời gian qua rất yếu kém, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Khẳng định quy chế quản lý biệt thự là đặc biệt cần thiết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Quy hoạch-kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khác điều tra lại tất cả các biệt thự cũ, cổ hiện hữu và lập ra danh mục các biệt thự có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc... bởi chỉ khi có danh mục này mới đưa ra được cơ chế quản lý phù hợp với từng loại.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phải sớm hoàn chỉnh quy chế quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo tồn, phát huy giá trị các biệt thự hiện có của Hà Nội, trong đó, phải phân rõ trách nhiệm quản lý của từng cơ quan chứ không thể duy trì tình trạng “lơ mơ” như trước đây.

Theo dự thảo lần này, biệt thự trên địa bàn được phân thành 3 nhóm. Nhóm 1 là những biệt thự gắn với di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. Nhóm 2 là những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm 1, nằm trên các tuyến phố chính như Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Trần Phú, Nguyễn Thái Học... Nhóm 3 là các biệt thự còn lại.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết về nguyên tắc, thành phố sẽ nghiêm cấm việc phá dỡ các biệt thự cũ không đúng quy định, sử dụng nhà đất sai mục đích, cơi nới, lấn chiếm tại các biệt thự; đặc biệt nhà biệt thự công vụ phải thực hiện đúng công năng theo quy định của pháp luật về quản lý nhà ở công vụ.

Cũng theo dự thảo, thành phố nghiêm cấm làm thay đổi quy hoạch (mật độ xây dựng, số tầng và độ cao), kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng của biệt thự; đồng thời nghiêm cấm chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung trong nhà biệt thự dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, việc nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực thuộc sở hữu chung và kinh doanh các dịch vụ gây tiếng ồn hoặc làm ô nhiễm môi trường như nhà hàng karaoke, sửa chữa ôtô, xe máy, lò mổ... đều không được phép.

Trường hợp cải tạo, sửa chữa đối với nhà biệt thự nhóm 1, phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của nhà biệt thự; không được làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của nhà biệt thự.

Trường hợp biệt thự bị hư hỏng nặng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ thì phải được Sở Xây dựng kiểm tra, có báo cáo thẩm định tình trạng hư hỏng và cấp giấy phép xây dựng, cải tạo lại sau khi có ý kiến thỏa thuận với Sở Quy hoạch-Kiến trúc.

Đồng thời, khi xây dựng lại, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng kiểu dáng, kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và tuân thủ quy hoạch (mật độ, số tầng cao) của biệt thự cũ.

Riêng với nhóm 3, việc cải tạo, sửa chữa thực hiện theo các quy định hiện hành của thành phố.

Đối với những nhà đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, thành phố sẽ giao các cơ quan liên quan lập phương án di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại.

Cũng theo dự thảo, mỗi nhà biệt thự sẽ phải có hồ sơ lưu trữ để phục vụ công tác quản lý.../.

Minh Nghĩa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục