Siết kinh doanh vàng: Doanh nghiệp vẫn “lách” luật!

Hoạt động kinh doanh vàng miếng đã chính thức bị siết chặt, song một số doanh nghiệp vàng đang có những cách  "lách" luật để tồn tại...
Hôm nay (10/1), hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ chính thức bị siết chặt theo Nghị định 24/NĐ-CP của Chính Phủ. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp vẫn đang lách luật bằng cách chuyển hình thức kinh doanh để tiếp tục tồn tại.

Chuyển vàng miếng sang nữ trang

Đã gần 10 giờ sáng, nhưng tại một cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội vẫn chưa hề có một khách hàng nào đến giao dịch.

Trên bảng điện tử của doanh nghiệp này vẫn liên tục chạy những dòng chữ về giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, khi được hỏi thì nhân viên bán hàng cho biết, cửa hàng chủ yếu mua bán vàng trang sức và “kiêm” đại lý cho các thương hiệu đã được cấp phép như SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn.

Cả đoạn phố Trần Nhân Tông có đến gần mười doanh nghiệp đang kinh doanh vàng bạc đá quý, nhưng xét theo quy định của Ngân hàng nhà nước thì chỉ ba trong số đó là có trong danh sách đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Cụ thể là Bảo Tín Minh Châu, Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý và Tập đoàn DoJi.

Nhưng nếu để nhận biết, thì hôm nay chỉ có Tập đoàn DoJi, bên ngoài cửa hiệu được treo tấm biển rất to “Trung tâm mua bán vàng được ngân hàng nhà nước cấp phép”, còn lại đều rất chung chung, khó phân biệt đâu là cửa hàng được phép giao dịch.

Trong khi đó, từ 10/1/2013, theo quy định nếu mua bán vàng miếng tại các điểm không được phép, cả người mua lẫn người bán đều có thể bị xử phạt.  Riêng các cửa hàng nào không có giấy phép kinh doanh vàng miếng mà vẫn kinh doanh mua bán thì mức phạt sẽ từ 50 đến 100 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, việc đi mua vàng miếng với giá mấy chục triệu/lượng thì cũng phải đến những điểm có uy tín, được cấp phép chứ không thể "bạ đâu mua đấy" như trước nữa.

Tuy nhiên, ông Huy cũng thừa nhận, hiện tượng một số doanh nghiệp “lách” quy định bằng cách đóng gói nhẫn tròn để bán là có thật, nhưng việc này không nhiều.

"Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát diễn biến nếu thấy có phát sinh vấn đề gì thì sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp xử lý ngay," ông Huy nhấn mạnh.

Trở ngại cho khách hàng?

Theo ghi nhận tại các cửa hàng được cấp phép kinh doanh như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, DoJi thì trong ngày hôm nay, lượng khách hàng đến giao dịch không có nhiều đột biến so với trước khi lệnh siết điều kiện kinh doanh vàng miếng có hiệu lực.

Thống kê sơ bộ của công ty Bảo Tín Minh Châu, lượng giao dịch cũng chỉ ở mức trung bình so với thời điểm cách đây một tuần. Thậm chí theo anh Nguyễn Văn Nam, phụ trách kinh doanh của công ty thì trong buổi sáng nay còn khá trầm lắng.

"Bình quân một tuần này giao dịch khá trầm lắng và kể cả trong ngày hôm nay cũng vậy, lượng người đến mua cũng không nhỉnh hơn so với thường lệ," anh Nam nói.

Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý cũng là một trong những doanh nghiệp được Ngân hàng nhà nước cấp phép kinh doanh vàng, nhưng trong ngày hôm nay, hoạt động giao dịch của công ty cũng khá trầm lắng.

Bảng điện tử niêm yết giá vàng SJC của công ty này cũng bám khá sát với sự điều chỉnh chung của thị trường vàng miếng trong nước, niêm yết từ 46,12-46,22 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Công Hiếu, Trưởng phòng kinh doanh bán lẻ của Công ty vàng bạc Phú Quý cho hay, so với ngày thường, lượng khách hàng đến giao dịch không có sự đột biến, có mua có bán. Thậm chí, trong mấy tháng gần đây, khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch nhiều, lượng mua bán vàng miếng còn giảm khoảng 30% so với trước.

Còn tại một số ngân hàng thương mại trên phố Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm và Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm thì mọi giao dịch vàng miếng cũng diễn biến tương tự.

Một nhân viên ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) trên đường Nguyễn Văn Cừ giải thích, do người dân vẫn chưa quen giao dịch vàng với ngân hàng vì đây là một nghiệp vụ mới được Ngân hàng nhà nước bổ sung thêm và cần phải có thời gian để khách hàng làm quen.

Tính đến ngày hôm nay, khi mà điều kiện về kinh doanh vàng có hiệu lực thì mạng lưới mua bán vàng miếng cả nước giảm từ hơn 12.000 điểm xuống còn 2.456 điểm.

Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho khách hàng khi đến mua bán trao đổi vàng miếng.

Chị Hà, một khách hàng đến giao dịch tại công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, việc siết hoạt động kinh doanh vàng miếng gần như không ảnh hưởng đến tâm lý mua bán, nhưng lo ngại nhất chính là khó kiếm được các điểm giao dịch.

Một số người dân khác còn tỏ ra băn khoăn, vì trước đây họ mua vàng miếng ở những cửa hàng kinh doanh nhỏ, nhưng hiện một số đã bí xóa sổ thì số vàng đấy họ bán ở đâu và liệu có bị ép giá hay không?

Trao đổi với ông Nguyễn Công Hiếu thì đại diện doanh nghiệp này khẳng định, với mạng lưới của Phú Quý nếu khách hàng đến giao dịch các thương hiệu vàng khác thì nhân viên sẽ kiểm tra chất lượng và tuổi vàng.

Nếu đảm bảo đúng tiêu chuẩn SJC, không nhái, giả, không bị trầy xước thì sẽ được viết giấy đảm bảo để tránh bất lợi cho khách hoặc mua thẳng theo bảng giá đang niêm yết hiện thời. Còn trong trường hợp số vàng đó bị bao bì cũ thì công ty sẽ thu thêm mức phí là 20.000 đồng/miếng.

Theo người đứng đầu Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, đây là ngày đầu tiên thực hiện việc quản lý thị trường vàng miếng, nhưng theo đánh giá sẽ không có gì đột biến về giá và lực cầu do thị trường vàng trong nước thời gian vừa rồi trầm lắng.

“Cần phải để mạng lưới kinh doanh vàng miếng vận hành một vài ngày xem thế nào. Bước sau đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia vào thị trường với tư cách người mua bán cuối cùng, người kiến tạo thị trường, đảm bảo sự lưu thông,” ông Huy cho biết./.
 Danh sách 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng

1. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
2. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)
3. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
4. Công ty TNHH một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
5. Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank)
6. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank)
7. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
8. Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)
9. Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)
10. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
11. Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank)
12. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
13. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
14. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank)
15. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank)
16. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
17. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
18. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)
19. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)
20. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)
21. Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB)
22. Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank)
23. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý TPHCM - Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam
24. Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam - CTCP
25. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu
26. Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI
27. Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam
28. Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Phú
29. Công ty TNHH Mi Hồng
30. Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Hải
31. Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Thâm
32. Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận
33. Công ty TNHH Vàng bạc Phúc Thành
34. Công ty cổ phần Thương mại Vàng bạc Đá quý Phương Nam
35. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương tín
36. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC
37. Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý
38. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Quảng-Thúy

Tin cùng chuyên mục