"Siết" ôtô nhập khẩu

"Siết" ôtô nhập khẩu là để bảo vệ người tiêu dùng

Bộ Công Thương tái khẳng định thông tư mới về ôtô nhập khẩu chỉ nhằm lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước thông tin các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô trong nước cho rằng thông tư 20/2011/TT-BCT khiến doanh nghiệp có thể phá sản, Bộ Công Thương tái khẳng định, việc quản lý ôtô nhập khẩu chỉ làm lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại buổi họp giao ban công tác tháng 5, do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay, 6/5, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, cho hay thông tư ban hành ngày 12/5/2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống, dù nhận được nhiều ý kiến phản hồi nhưng không ở mức độ trầm trọng như nhiều doanh nghiệp phản ánh.

Điểm mới của thông tư này là khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ cho các cơ quan quản lý gồm: Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định của luật; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp...

Theo ông Chinh, lượng ôtô nhập khẩu trung bình hàng năm đạt 30 ngàn chiếc thì qui định này ra đời cũng chỉ ảnh hưởng đến khoảng 30 ngàn người tiêu dùng.

Trên thực tế, số doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu ôtô chỉ có 200 doanh nghiệp (chứ không phải 2.000 doanh nghiệp như báo cáo) trong đó bao gồm cả 2 doanh nghiệp FDI với số tiền nhập khẩu khoảng trên 1 tỷ USD thì cũng đòi hỏi phải có những qui định để bảo vệ người tiêu dùng.

Lâu nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là yêu cầu không phải chỉ Việt Nam đặt ra, mà các nước lớn cũng đặt ra những yêu cầu rất khắt khe đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Việt Nam cũng chưa thực hiện được một cách nghiêm túc vấn đề này.

Chẳng hạn, đối với lô hàng nhập khẩu xe Toyota vào Việt Nam bị lỗi dính chân ga, ở nước ngoài đã tổ chức triệu hồi hàng triệu xe, nhưng tại Việt Nam, Toyota lại bảo họ không chịu trách nhiệm và bảo hành sửa chữa những xe đấy.

Còn các nhà nhập khẩu thì không có điều kiện để sửa chữa, vì họ chỉ là nhà nhập khẩu thuần túy, không có phương tiện bảo hành, bảo dưỡng. Vậy quyền lợi của khách hàng để đâu, ai sẽ đứng ra đảm bảo về an toàn giao thông nếu để cho những phương tiện này lưu hành một các tuỳ tiện trên đường phố.

Vì vậy, quy định của thông tư mới là nhằm làm lành mạnh hoá thị trường, những đơn vị có nhu cầu kinh doanh phải đáp ứng được những yêu cầu của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nếu không được kiểm soát chặt chẽ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến bức tranh nhập siêu nói chung.

Trong cuộc họp báo mới đây do Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng giải thích, Bộ Công Thương không ban hành biện pháp hạn chế thương mại, cũng như không đưa ra những khống chế về số lượng, định lượng hoặc những quy định trái với yêu cầu của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Bộ chỉ đưa ra những quy định nhằm lành mạnh hóa thị trường, tăng chất lượng phục vụ cho người tiêu dùng và đời sống nhân dân, đồng thời thực thi những biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cho việc đảm bảo an toàn giao thông.

Còn việc các nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ lắp ráp, sản xuất sang phân phối phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thứ nhất là lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam theo cam kết gia nhập WTO và thứ 2 là phụ thuộc vào cam kết giảm thuế theo WTO.

"Tất cả những điều này là quy định đã được đưa ra khi Việt Nam tham gia WTO, nên chúng ta phải thực hiện và không thể hủy bỏ," Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh.

Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng, hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô (cả trực tiếp và gián tiếp), mỗi năm nhập khẩu 30.000 xe, như vậy, mỗi năm một doanh nghiệp này nhập khẩu chưa đến 20 chiếc, tức mỗi tháng nhập khoảng 2 chiếc. Con số này chứng tỏ thị trường đang phát triển quá manh mún.

Việc mỗi doanh nghiệp chỉ nhập khẩu 2 chiếc ôtô/tháng thì không nói lên điều gì trong vấn đề giải quyết tăng thu ngân sách, công ăn việc làm, mà chỉ là mục đích thương mại thuần túy.

Còn việc doanh nghiệp ra đời và tham gia thị trường quá lớn với dung lượng tiêu thụ vừa phải, thì sự điều tiết lại là cần thiết. Đồng thời, chúng ta phải tiến tới giai đoạn có những nhà nhập khẩu phân phối bảo trì bảo dưỡng đảm bảo chất lượng, không chỉ sản phẩm mà còn dịch vụ hậu mãi, nhất là những mặt hàng không chỉ liên quan đến chính người sử dụng mà còn liên quan đến những người tham gia giao thông như ôtô.

Thông tư này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/6. Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn dối với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài. Bộ cũng sẽ có hướng cụ thể đối với các thủ tục hợp thức hóa lãnh sự, thủ tục xin giấy chỉ định hoặc ủy quyền của nhà phân phối, nhà sản xuất.

"Đây chỉ là những thủ tục đơn giản trong các qui định thương mại đối với sản phẩm được ủy quyền của chính hãng hoặc nhà phân phối của chính hãng," Thứ trưởng Biên khẳng định./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục