"Siết" quản lý đất đai, giảm quá tải bậc mầm non

Tại phiên chất vấn sáng 14/7, kỳ họp thứ 2 HĐND Hà Nội khóa XIV có 16 câu hỏi về quản lý đất đai, tình trạng quá tải ở bậc mầm non.
Tại phiên chất vấn sáng 14/7, kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV có 16 câu hỏi liên quan đến quản lý đất đai và hạ tầng đô thị, chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các khu đô thị mới thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; một số công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội vừa mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp; tình trạng quá tải đối với cấp học mầm non....

Kiên quyết và đúng luật khi xử lý những sai phạm trong quản lý đất đai

Báo cáo với các đại biểu tham dự Kỳ họp, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết trên cơ sở kết quả kiểm tra theo Kế hoạch 108/KH-Ủy ban Nhân dân ngày 31/7/2009, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo khắc phục đối với 239 dự án đầu tư sử dụng đất nhưng chậm triển khai, theo 3 loại gồm các dự án chậm hoàn thành trong vòng 24 tháng kể từ khi chủ đầu tư nhận dự án, dự án chưa đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng và các dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố đã quyết định thu hồi 14 dự án với tổng diện tích hơn 14ha; 6 dự án khác đang được Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ thu hồi theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 97/KH-UBND ra ngày 12/7/2010 của Ủy ban Nhân dân thành phố, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã kiểm tra 102 tổ chức vi phạm Luật đất đai trên địa bàn 16 quận, huyện gồm Đống Đa, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng, Chương Mỹ, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Oai, Gia Lâm, Long Biên, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Mỹ Đức, Thạch Thất, Tây Hồ.

Trong đó có 46 tổ chức sử dụng đất tại thời điểm kiểm tra đã chấp hành tốt các quy định của Luật đất đai, 56 tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai (chậm triển khai thực hiện quá 24 tháng, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng trái pháp luật, để đất bị lấn chiếm, tranh chấp, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính...).

Ông Vũ Hồng Khanh nêu rõ quan điểm xử lý của thành phố là kiên quyết và đúng luật. Bên cạnh đó, thành phố sẽ kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư khẩn trương hơn trong quá trình thực hiện; đồng thời tập trung chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cả về chủ quan và khách quan, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong sử dụng nguồn tài nguyên đất đai.

Cho rằng việc chậm triển khai các dự án đã thu hồi đất gây lãng phí rất lớn, gây bức xúc đối với người dân không có đất sản xuất, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, quận Hai Bà Trưng, chất vấn: Tại sao quá trình thẩm định hồ sơ chặt chẽ, khó khăn, mà Ủy ban Nhân dân thành phố lại để xảy ra hiện tượng có những chủ đầu tư kém năng lực nhưng vẫn được giao đất? Giải pháp cho thời gian tới là gì?

Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh phân tích rằng giao đất là một quá trình được thực hiện theo luật. Nếu các cơ quan thụ lý có sai phạm, sẽ xử lý theo thẩm quyền. Còn đối với chủ đầu tư có sai phạm, sẽ thu hồi dự án theo đúng các quy định hiện hành.

Phân tuyến hợp lý, công khai chỉ tiêu tuyển sinh

Giải trình một số vấn đề liên quan tới tình hình trường mầm non trên địa bàn thành phố hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết hiện trên địa bàn Thủ đô có 837 trường mầm non, phân bổ tương đối đều ở 29 quận, huyện, thị xã, 557 xã, phường, thị trấn.

Trong số trường trên, có 683 trường mầm non công lập, chiếm 81,6%, thu hút 319.890 trẻ, chiếm 85,5%. So với năm học 2009-2010, tỷ lệ trẻ em đến trường mầm non công lập đã tăng 16%; bình quân khoảng 30 trẻ/lớp.

Theo bà Ngọc, nguyên nhân của sự quá tải ở trường mầm non tại một số quận nội thành, khu đô thị mới trong thời gian qua, là do dân cư tăng cơ học quá nhanh; chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và mức thu học phí quá chênh lệch giữa công lập và ngoài công lập, dẫn đến việc phụ huynh học sinh thường chọn cho con học trường công lập.

Để khắc phục quá tải cục bộ ở một số khu vực, trước mắt thành phố sẽ thực hiện đồng bộ việc phân tuyến hợp lý, công khai chỉ tiêu tuyển sinh và tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng để đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao đối với cấp học mầm non.

Về lâu dài, thành phố sẽ xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; trong đó quan tâm đầu tư xây mới trường học, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn và các khu đô thị có ít nhất có một trường mầm non công lập; tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch, tăng trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, các sở, ngành liên quan đến quy hoạch, xây dựng, đầu tư trong việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học.

Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng và uy tín của các trường mầm non, thu hẹp dần khoảng cách, tạo sự đồng đều về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ giữa các trường công lập và trường ngoài công lập. Mặt khác, thành phố sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên giữa các trường mầm non để thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các trường.

Đặc biệt, khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, sẽ xác định rõ số lượng trường công lập và trường ngoài công lập và có cơ chế đối với các quỹ đất dành cho xây trường theo phương thức xã hội hóa để tạo sự công bằng cho các nhà đầu tư...

Để hiện thực hóa chủ trương này, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Hội đồng Nhân dân các cấp đưa nội dung xây dựng đủ trường học công lập, trước hết là trường mầm non vào Nghị quyết để thực hiện./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục