Siêu dự án nhà máy điện chu trình kết hợp lớn nhất thế giới tại Ai Cập

Các nhà máy này sẽ đóng góp thêm 14,4 gigawatts (GW) của tổng công suất phát điện cho lưới điện quốc gia tại Ai Cập, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của 40 triệu người với nguồn điện ổn định.
Siêu dự án nhà máy điện chu trình kết hợp lớn nhất thế giới tại Ai Cập ảnh 1Nhà máy điện Beni Suef. (Nguồn: Vietnam+)

Siemens và đối tác liên danh là Công ty Xây dựng Orascom và Công ty Điện Elsewedy cùng với Bộ Điện lực và Năng lượng Tái tạo Ai Cập đã công bố hoàn thành siêu dự án nhà máy điện chu trình kết hợp lớn nhất thế giới tại Ai Cập trong thời gian kỷ lục

Các bên đã tổ chức kỷ niệm việc vận hành chu trình hỗn hợp và chính thức đi vào hoạt động của ba nhà máy điện Beni Suef, Burullus và New Capital.

Các nhà máy này sẽ đóng góp thêm 14,4 gigawatts (GW) của tổng công suất phát điện cho lưới điện quốc gia tại Ai Cập, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của 40 triệu người với nguồn điện ổn định.

Với mốc son này, Ai Cập và tập đoàn Siemens đã lập nên một kỷ lục thế giới mới trong việc thi công và hoàn thiện nhanh các dự án nhà máy điện hiện đại khi thành công sản xuất thêm 14,4 GW điện trong vòng 27,5 tháng.

Thông thường một nhà máy điện chu trình hỗn hợp với công suất 1.200 megawatts sẽ mất khoảng 30 tháng thi công.

Trong siêu dự án tại Ai Cập, Siemens đã đồng thời xây dựng 12 nhà máy như vậy trong thời gian kỷ lục, kết nối thành công các nhà máy này với lưới điện quốc gia.

“Việc phá kỷ lục thế giới về thời gian hoàn thiện siêu dự án tại Ai Cập của chúng tôi sẽ không chỉ làm thay đổi bức tranh tổng thể về điện tại Ai Cập mà sẽ còn trở thành một khuôn mẫu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện tại khu vực Trung Đông và trên toàn thế giới,” Joe Kaeser, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens AG phát biểu.

Siêu dự án nhà máy điện chu trình kết hợp lớn nhất thế giới tại Ai Cập ảnh 2Nhà máy điện New Capital trong quá trình xây dựng. (Nguồn: Vietnam+)

“Siêu dự án này cũng là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả và tin cậy của chúng tôi với các đối tác và khách hàng. Sự tham gia và chỉ đạo của Tổng thống al Sisi và đội ngũ của ông trong dự án này rất đáng kể. Chúng tôi mong muốn được triển khai mô hình độc đáo này ở các quốc gia khác để cùng họ phát triển hệ thống điện năng bền vững, chi phí hợp lý và đáng tin cậy.”

“Việc hoàn thành các nhà máy điện này là một mốc cực kỳ quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa hạ tầng điện ở Ai Cập của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nền công nghiệp quốc gia,” Tiến sỹ Mohamed Shaker, Bộ trưởng Bộ Điện lực và Năng lượng Tái tạo nhấn mạnh.

“Đây cũng chính là lý do vì sao các nhà máy được xây dựng ở những vị trí chiến lược trên cả nước để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng về điện từ các hộ dân, từ các doanh nghiệp và các ngành. Hạ tầng năng lượng mới này sẽ là nền tảng cho sự thịnh vượng về kinh tế ở Ai Cập trong những năm tới.”

Mỗi nhà máy điện được trang bị 8 tuabin khí thế hệ H SGT5-8000, 4 tuabin hơi, 12 máy phát điện, 8 lò thu hồi nhiệt Siemens, 12 máy biến áp và một hệ thống thiết bị đóng cắt hợp bộ kín 500kV GIS.

Để tăng cường lưới điện ở Ai Cập, Siemens đã hoàn thiện 6 trạm điện với nhiệm vụ truyền tải nguồn điện từ các nhà máy mới.

Tập đoàn đã tiến hành đào tạo cho 600 kỹ sư và kỹ thuật viên người Ai Cập để vận hành và duy trì các nhà máy điện, đồng thời mở rộng kỹ năng và kiến thức cho nguồn lao động địa phương.

Siemens là tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Đức trong các lĩnh vực năng lượng và công nghệ cao. Tại Việt Nam, tập đoàn này cũng đã hiện diện trong nhiều năm qua, đi đầu trong việc cung cấp thiết bị cho các dự án lớn, mới nhất là dự án điện Mặt trời lớn nhất cả nước ở Ninh Thuận, do tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư.

Siêu dự án nhà máy điện chu trình kết hợp lớn nhất thế giới tại Ai Cập ảnh 3Lễ ký kết hợp đồng thiết bị cho nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam do tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư (Nguồn: PV/Vietnam+)

Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên của Siemens ở khu vực Đông Nam Á với tổng công suất 204 MW. Khi đưa vào vận hành, nhà máy có thể đạt tổng sản lượng điện năng sản xuất khoảng 425 triệu kWh một năm, đủ để cung cấp điện cho khoảng 200,000 hộ dân và giảm phát thải khoảng 250,000 tấn khí CO2.

Nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Thuận, dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào giữa năm 2019./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục