"Siêu" dự án nông nghiệp trên ... 4 trang giấy

Cuộc "gom" đất nông nghiệp với quy mô lớn chưa từng có ở Hải Phòng đang được một doanh nghiệp ráo riết thực hiện.
HTML clipboa Một cuộc "gom" đất nông nghiệp với quy mô lớn chưa từng có ở Hải Phòng đang được một doanh nghiệp ráo riết thực hiện dưới sự hậu thuẫn tích cực của chính quyền địa phương.

Dự án "Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung" thực sự khiến nông dân Hải Phòng choáng ngợp bởi mức chi trả tiền thuê đất cao gấp 3-4 lần so với thu nhập thực tế từ trồng lúa. "Siêu" dự án nông nghiệp với số tiền đầu tư lên tới 150 tỷ đồng, nhưng chỉ được khiến cuộc sống của người nông dân Hải Phòng bỗng dưng bị đảo lộn.

Nông dân ngồi chơi cũng ra lúa

Chỉ cần giao đất cho doanh nghiệp thì mỗi vụ nông dân ngồi chơi cũng có 125 kg thóc/sào, một lượng thóc cao gấp 3-4 lần so với hiệu quả trồng lúa của nông dân  huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng, Hải Phòng. Đó là cam kết của Công ty TNHH Sơn Trường ghi trong bản dự thảo hợp đồng thuê đất nông nghiệp của nông dân 8 xã của hai huyện trên.

Từ đầu tháng 9/2009 đến nay, trên địa bàn các xã này xuất hiện một cuộc vận động nông dân cho doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp đang diễn ra rầm rộ, gấp rút và khẩn trương khác thường. Thậm chí, liên tiếp trong 4 ngày từ 13 đến 16/9, trên loa phát thanh thôn Dương Tiền, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo liên tục phát bản tin thông báo tiến độ thực hiện của các thôn lân cận và kêu gọi các hộ nông dân trong thôn đồng thuận nhất trí cao chủ trương này.

Bà Trần Thị Hồng, 45 tuổi, xã Trấn Dương, nói mỗi sào lúa nhà bà chỉ thu hoạch khoảng 40 kg thóc/vụ, nay Công ty Sơn Trường trả tới 125 kg sao lại không cho thuê cơ chứ. Hơn nữa "nước nổi thì bèo nổi" cả thôn cho thuê nên gia đình cũng đồng ý cho doanh nghiệp thuê 5 sào ruộng lúa.

Cựu bí thư xã Trấn Dương (thời kỳ 1973 - 1977), ông Bùi Văn Thuỵ cho biết nghĩ rằng chỉ giao đất thôi, còn bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) giữ lại, hơn nữa dân không làm mà cũng có lúa ăn sướng quá còn gì nên cả thôn ông cơ bản đồng ý hết. Tuy nhiên, riêng với ông Thuỵ có nhiều điều chưa làm thể làm ông an tâm về tính khả thi, tính pháp lý của dự án của công ty Sơn Trường.

Để tăng phần hấp dẫn, Công ty Sơn Trường cam kết sẽ trả tiền thuê đất trước cho nông dân ngay đầu mỗi vụ sản xuất: Vụ đông xuân trả trong tháng 10, vụ hè thu trả trong tháng 5. Cũng để "an dân", Công ty Sơn Trường chỉ cần người dân giao đất, còn các hộ có quyền giữ lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tới tháng 6/2014, những "sổ đỏ" kia sẽ không còn giá trị khi nhà nước thu hồi đất và thực hiện việc giao đất lại theo chính sách mới.

Đây cũng là điều khiến thầy giáo Trần Đình Kim, Phó hiệu trưởng trường THCS Trấn Dương lo xa về nguy cơ khả năng sau này người nông dân sẽ không được nhà nước tiếp tục giao đất nữa. Đã 3 lần, phía doanh nghiệp đến nhà thầy vận động gia đình cho thuê đất, nhưng thầy nhất quyết từ chối. Giờ đây thầy trở thành một "ông giáo gàn" bị nhiều người trong thôn dị nghị vì không làm theo chủ trương của xã, của thôn.

Với mức giá thuê 125 kg thóc/sào/vụ thì từ nay tới lúc người dân hết quyền sử dụng đất (năm 2014), doanh nghiệp chỉ phải chi phí chừng 30 tỷ đồng (theo giá thóc hiện hành 4.000 đồng/kg) để có thể sử dụng 2.000 ha đất.

"Siêu" dự án trên... 4 trang giấy

Dự án của Công ty TNHH Nông nghiệp Sơn Trường (Hải Phòng) có quy mô lên tới 2.000 ha đất nông nghiệp ở 8 xã gồm Cổ Am, Vĩnh Tiến, Trấn Dương, Hòa Bình (Vĩnh Bảo) và Tiên Minh, Tiên Thắng, Hùng Thắng, Nam Hưng (Tiên Lãng), với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng.

Quá sơ sài và thiếu tính thuyết phục là đánh giá đầu tiên của không ít nông dân khi xem bản dự án kinh tế của Công ty Sơn Trường.

Sau 1 trang dài đặt vấn đề là 3 trang nội dung dự án. Nội dung chính của dự án là Công ty Sơn Trường muốn thuê lại ruộng của nông dân mà nhà nước đã giao theo Nghị định số 64/CP của Chính phủ (là Nghị định của Chính phủ ban hành năm 1993, quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp) để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Không có bất kỳ phương án sản xuất nào được đưa ra, song 4 trang giấy này lại biết cách chiều lòng những người nông dân chất phác. Dự án cam kết: Người nông dân không cần phải làm gì, chỉ cần giao đất cho doanh nghiệp (cho thuê) thì mỗi vụ doanh nghiệp sẽ trả họ 125 kg thóc/sào. Một bài toán kinh tế đến trong mơ người nông dân trong vùng cũng không có được, đúng như lời ông Hà Huy Sáng, Chủ tịch UBND xã Trấn Dương.

Với dự án này, Công ty Sơn Trường dự kiến sẽ hoàn vốn trong 7 năm, tuy nhiên hợp đồng (dự thảo) ký thuê đất với các hộ nông dân chỉ kéo dài 5 năm, bởi theo Nghị quyết 64/CP đến năm 2014 người dân hết quyền sử dụng đất phải chờ nhà nước có kế hoạch giao đất mới. Công ty Sơn Trường nói rõ: chỉ thuê đến mốc thời gian trên, sau đó hộ nông dân nào vẫn tiếp tục được nhà nước giao ruộng thì hợp đồng đương nhiên tiếp tục có giá trị (không phải ký hợp đồng khác).
 
 Chính vì vậy, thầy giáo Trần Đình Kim, phó hiệu trưởng trường THCS Trấn Dương băn khoăn khi đông đảo người dân đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất thì đồng nghĩa với việc họ tự khẳng định mình không còn nhu cầu cày cuốc trên số diện tích đất đã cho thuê nữa. Vậy nên, đến năm 2014 rất có thể người nông dân sẽ không được nhà nước tiếp tục giao đất sản xuất nông nghiệp đó nữa.

Khi được hỏi về phương án trồng cây nào, nuôi con gì và làm thế nào để đem lại hiệu quả kinh tế trên những cánh đồng doanh nghiệp thuê được từ tay nông dân, ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Sơn Trường cho biết: "Chỉ sau khi thuê được đất của nông dân, ông mới bắt đầu thuê các chuyên gia nông nghiệp về nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai ở vùng đó rồi sau đó mới có quy hoạch về trồng cây gì." Giờ ông chưa có đất trong tay thì không thể nói gì, làm gì được(?)

Không ít nông dân thấy lợi ích 125 kg thóc/sào/vụ mà không phải lao động gì đã vội vã đồng thuận. Số ít nông dân khác ngoài sự cân nhắc tính khả thi của dự án, còn có những phân tích đánh giá sự liên quan của siêu dự án nông nghiệp này với 2 dự án lớn của quốc gia là cảng biển quốc tế Lạch Huyện gần đó không xa và dự án xây dựng đường giao thông ven biển liên tỉnh sẽ được triển khai trong nay mai trên phần đất của địa phương mình./.

Vũ Văn Đức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục