Singapore có thể duy trì thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc?

Singapore không chỉ theo đuổi mục tiêu nâng cao quan hệ với Mỹ mà nước này còn dành mối quan tâm và nỗ lực tương tự khi theo đuổi mối quan hệ với Trung Quốc.
Singapore có thể duy trì thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc? ảnh 1Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng scmp.com, mối quan hệ lâu đời của Singapore với Mỹ là sự miêu tả cổ điển chính sách đối ngoại của quốc đảo này - chấp nhận hiện trạng của thế giới và tìm cách thiết lập sự hiện diện và sức mạnh của Mỹ trong khu vực vì lợi ích tập thể.

Singapore cũng tìm cách lôi kéo càng nhiều siêu cường chủ chốt càng tốt (bao gồm Mỹ) trong chính sách cân bằng quyền lực ở khu vực, để không một siêu cường nào có thể nắm vị trí chi phối, với quan điểm của Singapore và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là không “chọn bên” giữa Bắc Kinh và Washington trở thành một quá trình phát triển tự nhiên của cách tiếp cận cân bằng sức mạnh này.

Giữa lúc gia tăng cạnh tranh Mỹ-Trung, thách thức ngày càng gia tăng đối với các quốc gia trong khu vực là tiếp tục tránh việc chọn bên. Singapore không chỉ theo đuổi mục tiêu nâng cao quan hệ với Mỹ mà nước này còn dành mối quan tâm và nỗ lực tương tự khi theo đuổi mối quan hệ với Trung Quốc.

Giống như nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương khác, Singapore dựa vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc song lại hưởng lợi từ những đảm bảo an ninh mà Mỹ cung cấp cho khu vực.

Năm 2013, khi được hỏi liệu ông có quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc hay không, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng Singapore “muốn hưởng lợi từ cả hai bên và muốn là bạn với tất cả các nước.”

[Lãnh đạo Mỹ, Singapore điện đàm về cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên]

Năm 1990, Singapore trở thành nước cuối cùng trong số 5 quốc gia là thành viên ban đầu của ASEAN bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ Singapore-Trung Quốc hiện đang tốt đẹp dù đã trải qua một vài sóng gió.

Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Singapore là khái niệm cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Điều này giải thích vì sao rộ lên thông tin rằng Singapore năm 2003 đã từ chối đề xuất của Mỹ về việc trở thành một đồng minh chủ chốt của Mỹ song không phải là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trả lời nhật báo Asahi của Nhật Bản hồi năm 2010, Thủ tướng đầu tiên của Singapore là Lý Quang Diệu nói rằng nước ông chưa từng tìm cách kiềm chế Trung Quốc, mà chỉ tìm cách đạt được cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương, dựa trên sự hiện diện sức mạnh Mỹ.

Một minh chứng rõ ràng cho chính sách cân bằng của Singapore là việc cập nhật thỏa thuận quốc phòng Trung Quốc-Singapore, theo đó cho phép tàu hải quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng các cơ sở quân sự của Singapore.

Được ký tiếp vào tháng 10/2019, thỏa thuận được nâng cấp này được ký 27 ngày sau khi Singapore và Mỹ trước đó đã gia hạn bản ghi nhớ chung mà hai bên ký năm 1990.

Theo một nhà phân tích, thỏa thuận được nâng cấp nói trên dường như để quân đội Trung Quốc duy trì sự can dự mang tính xây dựng trong ngoại giao quốc phòng. Như một phần của chính sách cân bằng của Singapore, thỏa thuận này sẽ không sử dụng vũ khí mua từ Mỹ trong các cuộc tập trận với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Lợi ích khi không chọn bên

Thông thường, Singapore và các quốc gia nhỏ hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều tìm cách tránh phải đưa ra những lựa chọn rõ ràng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, điều được gọi là “phúc lành khi không chọn bên.”

Tương tự, các nước thành viên ASEAN cũng có quan điểm không chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc. Một minh chứng cụ thể là ASEAN đã tránh công khai ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở do Mỹ dẫn đầu.

Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay cho thấy quan điểm không chọn bên nào đang chịu sức ép gia tăng. Ba tài liệu quan trọng về chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương mà Washington công bố gần đây đã nhấn mạnh những thách thức của Trung Quốc đối với các lợi ích của Mỹ.

Tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 6/2019 cho rằng Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại và coi cách hành xử của Bắc Kinh đang hủy hoại những giá trị và nguyên tắc của hệ thống quốc tế.

Tài liệu này cũng cho rằng mục tiêu của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là đạt được quyền bá chủ khu vực trong ngắn hạn và sự nổi trội toàn cầu trong dài hạn. Tiếp đến là báo cáo về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng 11/2019, trong đó nói rằng Bắc Kinh tìm cách “làm xói mòn những điều kiện vốn giúp thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong hàng chục năm qua.”

Thứ ba là báo cáo mang tựa đề “Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do Nhà Trắng công bố hồi tháng 5/2020, trong đó cho rằng chính sách mà Mỹ duy trì lâu nay nhằm khuyến khích Trung Quốc trở thành một “cổ đông toàn cầu có trách nhiệm” đã thất bại.

Thay vào đó, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của mình để “lôi kéo sự phục tùng” của các nước khác, theo đó làm phương hại những lợi ích cốt lõi của Mỹ và hủy hoại chủ quyền cũng như vị thế của các nước trên thế giới. Mối nguy hại hiện nay là Trung Quốc bị coi là một mối đe dọa về ý thức hệ.

Về phần mình, sự khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc rằng chủ nghĩa xã hội sẽ thắng thế chủ nghĩa tư bản làm dấy lên nỗi ám ảnh rằng cạnh tranh Mỹ-Trung đang lan sang cả lĩnh vực ý thức hệ.

Nhận định nói trên của Tập Cận Bình được đưa ra hồi tháng 1/2013, ngay sau khi ông trở thành Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, song được giữ kín cho đến mùa Xuân năm 2019.

Trung Quốc cũng ngày càng trở nên đối đầu với Mỹ, nhất là đối với những cáo buộc của Washington rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cách phản ứng mang tính phô diễn sức mạnh hơn của Trung Quốc kèm theo đường hướng ngoại giao “Chiến Lang” diễn ra giữa lúc làn sóng tinh thần dân tộc chủ nghĩa lên cao ở Trung Quốc, thứ tinh thần mà như Zheng Yongnian thuộc Viện Đông Á của trường Đại học Quốc gia Singapore gọi là “chủ nghĩa dân tộc lai căng” - sự hòa trộn giữa nỗi bất bình của thế hệ cũ về thế kỷ bị làm nhục của Trung Quốc và “chủ nghĩa dân tộc thương mại” của thế hệ trẻ hơn vốn dựa vào niềm tự hào đối với sự thịnh vượng gia tăng của nước này.

Tiếp tục cuộc tìm kiếm vị trí tối ưu

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung, nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tìm cách “thiên biến vạn hóa” cách tiếp cận phối hợp của chính sách phòng bị nước đôi và cân bằng, và trong một số trường hợp là theo đuổi chính sách phù thịnh để được hưởng lợi ích và không bị nước lớn tấn công.

Nhiều nước trong khu vực muốn tiếp tục hưởng lợi ích từ tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhiều nước hoan nghênh việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp trả những hành động quyết đoán của Trung Quốc, song họ lại tìm cách né tránh “việc phải chọn bên” giữa hai cường quốc thế giới này.

Đối với Singapore, ưu thế tốt nhất mà nước này có được khi thực hiện chính sách không chọn bên đã tồn tại được một khoảng thời gian. Không giống như các đồng minh hiệp ước chính thức của Mỹ, Singapore không chịu gánh nặng của việc duy trì các căn cứ quân sự của Mỹ và có mối quan hệ quân sự mở rộng với Washington. Ngoài ra, mối quan hệ của Singapore với Mỹ không làm chọc giận Trung Quốc.

Một cách để duy trì sự bền vững của vị thế tối ưu này là khuyến khích Trung Quốc và Mỹ hợp tác với nhau.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6/2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi Washington và Bắc Kinh đạt được sự “thỏa hiệp chiến lược” dù còn tồn tại tranh chấp về thương mại, công nghệ và những vấn đề khác.

Tuy nhiên, triển vọng cho sự hợp tác đó hiện ít có khả năng xảy ra vào thời điểm này. Thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” mà Mỹ và Trung Quốc ký hồi tháng 1/2020 vẫn chưa được thực hiện và Tổng thống Trump nói rằng quá trình phân tách hai nền kinh tế vẫn là một lựa chọn.

Nhận thức về việc Mỹ mất đi vị thế lãnh đạo của mình ở khu vực cũng sẽ đè nặng tình thế lưỡng nan chiến lược mà các quốc gia nhỏ hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Singapore, đang phải đối mặt.

Điều này đồng nghĩa với việc công cuộc tìm kiếm vị thế tối ưu nói trên đối với Singapore sẽ ngày càng khó khăn hơn. Ngoài Singapore, các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam và Philippines cũng đang đối mặt với thế lưỡng nan tương tự.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam song chỉ có Mỹ được coi là quốc gia duy nhất có sức mạnh và ý chí để kiềm chế những tham vọng chiến lược của Trung Quốc, bao gồm những tham vọng ở Biển Đông.

Vì vậy, không chọn bên nào cũng là sự lựa chọn tự thân của Việt Nam. Nhà ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nhận định rằng có thể Singapore sẽ không giữ được “vị thế tối ưu nào” để cả Mỹ và Trung Quốc đều “vui vẻ.” Trên thực tế, cuộc tìm kiếm vị trí tối ưu này sẽ chỉ ngày càng khó khăn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục