Singapore khởi tố 24 lao động Ấn Độ vì gây bạo loạn

Cơ quan công tố Singapore sẽ khởi tố 24 lao động Ấn Độ vì tội tham gia cuộc bạo động đầu tiên ở đất nước này trong hơn 40 năm qua.

Cơ quan công tố Singapore cho biết sẽ khởi tố 24 lao động Ấn Độ vì tội tham gia cuộc bạo động đầu tiên ở đất nước này trong hơn 40 năm qua.

Những người này có khả năng sẽ bị phạt tù tới 10 năm bên cạnh việc bị phạt roi vì tội gây bạo động có sử dụng vũ khí nguy hiểm trong đêm 8/12. Vụ bạo động đã xảy ra khi một công nhân xây dựng Ấn Độ bị một chiếc xe buýt đâm thiệt mạng tại khu Tiểu Ấn.

Có bốn người bị bắt lúc đầu đã được trả tự do, sau khi kết quả điều tra cho thấy họ không liên quan tới vụ bạo động, gồm 2 người Bangladesh, 2 người Ấn Độ, trong đó có một người có quyền định cư lâu dài ở Singapore.

Tài xế xe buýt người Singapore đâm chết công nhân xây dựng Sakthivel Kumaravelu (33 tuổi) đã được tạm trả tự do nhờ đóng tiền thế chân, sau khi bị bắt vì bất cẩn gây ra cái chết cho người khác.

Nhà chức trách đã đối phó với vụ bạo động đầu tiên kể từ năm 1969 bằng cách tiếp tục kêu gọi bình tĩnh và cảnh cáo chống các hành vi khơi dậy sự thù ghét chủng tộc, trong bối cảnh có nhiều màn công kích trên mạng nhằm vào các lao động nước ngoài làm việc ở Singapore.

Quốc gia Đông Nam Á với 5,4 triệu dân này là một trong những nước giàu nhất thế giới. Nhưng Singapore vẫn phải dựa nhiều vào lao động nước ngoài, trong đó người có gốc Nam Á chiếm đa số tại các lĩnh vực như xây dựng.

Hôm 9/12, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố vụ bạo động chỉ là 'sự kiện cá biệt hình thành từ các hành vi trái luật của một đám đông ngỗ ngược, phản ứng với một vụ tai nạn giao thông chết người.'

Ông cũng yêu cầu thành lập ủy ban đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Nội vụ để xem xét các yếu tố dẫn tới xung đột và các biện pháp quản lý những khu vực nơi người lao động nước ngoài.

Các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền đã kêu gọi nhà chức trách tìm hiểu kỹ, xem vụ bạo động trong ngày Chủ nhật có phải là một tín hiệu cho thấy sự bất mãn rộng hơn trong nhóm các lao động ngoại quốc được trả thù lao 'bèo' và phải sống trong các điều kiện tồi tệ hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục