Singapore là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Singapore luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khối ASEAN.
Singapore là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (trái) gặp gỡ doanh nghiệp Singapore. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Singapore luôn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong khối ASEAN và là đối tác thương mại thế giới lớn thứ 6 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Vietnam+ nhân chuyến công tác tại Đảo quốc Sư tử” từ ngày 9-10/6, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết năm 2013, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong khối ASEAN (sau Thái Lan và Malaysia) với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 8,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Singapore 2,7 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2012.

Trong 4 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Singapore đạt xấp xỉ 3,3 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Các mặt hàng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao sang Singapore là dầu thô, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện, nhóm hàng nông, thủy sản như hạt tiêu, gạo, thủy sản... Singapore xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là xăng dầu; các sản phẩm từ dầu mỏ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; hóa chất và sản phẩm hóa chất.

Trong chuyến thăm chính thức tại Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào năm 2013, hai bên nhất trí cho rằng hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại đang trở thành điểm sáng và trụ cột trong quan hệ hai nước.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng ghi nhận các đề nghị của Việt Nam về tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam như nông, lâm, thủy hải sản, dệt may được tiếp cận thị trường Singapore nhằm tiến tới thương mại cân bằng hơn, và về hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về mục tiêu của đoàn công tác của Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại tại Singapore từ ngày 9-10/6/2014, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt với các mặt hàng nông sản, thủy sản là hoạt động thường xuyên được Bộ Công Thương quan tâm, nỗ lực triển khai.

Tham gia đoàn công tác lần này có đại diện Bộ Công Thương, Chủ tịch và Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro cùng đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn.

Đoàn đã làm việc với Bộ Công Thương Singapore, Cục Quản lý Doanh nghiệp, đại diện một số thương hiệu phân phối lớn tại Singapore và tổ chức chương trình giao thương giữa doanh nghiệp hai nước.

“Thị trường Singapore có thể nói còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trên thị trường Singapore, gạo Việt Nam mới chiếm hơn 20% thị phần nhập khẩu gạo, trong khi các chủng loại gạo Việt Nam đều đáp ứng được nhu cầu thị trường Singapore. Các chủng loại gạo Việt Nam xuất khẩu sang Singapore rất đa dạng, phong phú về chủng loại như Gạo Trắng, Gạo Thơm, Gạo Lứt, Gạo Nâu (Organic), Gạo Nếp, Gạo Đồ và Gạo Tấm.

Trong đó các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt có thế mạnh xuất khẩu Gạo Trắng và Gạo Thơm 5%, 10%, 15% và 25%. Ngoài việc nhập khẩu gạo để tiêu dùng, thị trường Singapore cũng được biết đến là thị trường trung chuyển, trung tâm thương mại của ASEAN, trung chuyển gạo sang các đảo của Indonesia, Philippines và một số nước thuộc châu Phi.

Bộ Công Thương mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa tại Singapore cũng như tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại ở Singapore.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết trong thời gian tới để đẩy mạnh xuất khẩu nhóm mặt hàng nông, thủy sản, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác đàm phán, mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh hải quan (VCUFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khối thương mại tự do châu Âu (FTA-VN-EFTA)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục