Singapore mong Ấn Độ đánh giá lại lập trường về hiệp định thương mại

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore hy vọng Ấn Độ sẽ đánh giá lại các hiệp định thương mại khu vực như RCEP và thậm chí cả CPTPP bởi các hiệp định thương mại sẽ tạo nền tảng cho các công ty Ấn Độ.
Singapore mong Ấn Độ đánh giá lại lập trường về hiệp định thương mại ảnh 1Ông Vivian Balakrishnan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nguồn tin của tờ The Hindu (Ấn Độ) số ra ngày 14/4, cho biết tại "Đối thoại Raisina 2021" do Tổ chức Quỹ nhà quan sát (ORF) phối hợp với Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã bày tỏ hy vọng Ấn Độ "đánh giá lại" lập trường của mình về các hiệp định thương mại khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà nước này đã rút khỏi, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của New Delhi trong khu vực trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng.

Phát biểu tại sự kiện trên, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Balakrishnan nêu rõ: "Tôi hy vọng Ấn Độ sẽ đánh giá lại các hiệp định thương mại khu vực như RCEP và thậm chí cả CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Các hiệp định thương mại này sẽ tạo nền tảng cho các công ty Ấn Độ thể hiện sức mạnh trên các thị trường lớn hơn."

[Các nước RCEP kêu gọi Ấn Độ quay trở lại bàn đàm phán]

RCEP đã có hiệu lực vào tháng 11/ 2020 và là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Trong khi đó, CPTPP, tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ rút khỏi, bao gồm Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Peru.

Ấn Độ đã rút khỏi RCEP phần lớn do lo ngại hiệp định này sẽ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Trung Quốc, trong bối cảnh cán cân thương mại giữa hai nước mất cân bằng với mức thâm hụt lớn nghiêng về Ấn Độ.

Bộ trưởng Balakrishnan cho biết Singapore hy vọng Ấn Độ có thể giúp xây dựng một kiến trúc khu vực “mở” và “bao trùm." Ông cũng đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ của Ấn Độ trong nỗ lực hợp tác vaccine toàn cầu vào thời điểm đại dịch COVID-19 làm "gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc trên toàn thế giới, gây gián đoạn đáng kể các dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng, đồng thời khiến các nhà hoạch định chính sách có xu hướng hướng nội"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục