Singapore và Indonesia đón đầu sự phục hồi của Trung Quốc

Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là nhân tố quan trọng bởi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều nằm trong các chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Singapore và Indonesia đón đầu sự phục hồi của Trung Quốc ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 19/2/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo tờ Nikkei Asia, các số liệu thống kê chính thức mới nhất cho thấy xuất khẩu của các nước Đông Nam Á đang tăng trưởng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đáng chú ý, Singapore và Indonesia đang đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trung Quốc vừa thông báo trong quý đầu tiên của năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng kỷ lục 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi trong quý 1/2020, khi cuộc khủng hoảng y tế mới bắt đầu, GDP của nước này giảm tới 6,8%.

[Indonesia-Trung Quốc đặt mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 100 tỷ USD]

Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là nhân tố quan trọng bởi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều nằm trong các chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019, Trung Quốc chiếm tới 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN, cao hơn so với con số 12,9% của Mỹ và 10,8% của Liên minh châu Âu (EU).

Giờ đây, Trung Quốc đang tạo ra một làn gió thuận, với đà tăng trưởng nhanh chóng và triển vọng ổn định.

Theo dữ liệu chính thức được công bố vào tuần trước, trong tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore đã tăng 12,1% so với một năm trước đó.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore với Trung Quốc tăng tới 46,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 17,3% trong tháng 2/2021, nhờ sự gia tăng của xuất khẩu máy móc và các sản phẩm hóa dầu.

Theo Selena Ling, chuyên gia kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp., đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu của Singapore sang Trung Quốc tăng. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh là một thông tin tích cực với Singapore - nền kinh tế đã suy giảm kỷ lục 5,4% trong năm ngoái.

Trên thực tế, trong quý đầu tiên của năm 2021, Singapore đã tăng trưởng trở lại lần đầu tiên trong một năm qua, với mức tăng trưởng ước tính 0,2%.

Tại Indonesia, trong tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng tới 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong gần 4 năm qua, nhờ tình hình kinh tế ở các đối tác thương mại chính, đặc biệt là Trung Quốc, đang cải thiện.

Cơ quan thống kê Indonesia cho biết trong ba tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Xuất khẩu phi dầu khí sang Trung Quốc tăng khoảng 63% trong quý 1/2021 và hơn 80% chỉ trong tháng 3/2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia sang Trung Quốc trong thời kỳ này là sắt, thép, than đá và dầu cọ.

Điều này cho thấy mối liên hệ (của sự gia tăng về xuất khẩu của Indonesia) với hoạt động sản xuất ổn định của Trung Quốc.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà kinh tế của United Overseas Bank nhận định: “Cho đến nay, chúng tôi thấy đà phục hồi của hoạt động xuất khẩu là liên tục, được khuếch đại nhờ xu hướng tăng giá hàng hóa kể từ quý 4/2020.”

"Ngoài ra, trên thực tế, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Australia do các tranh cãi chính trị giữa hai quốc gia. Các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Australia có hiệu lực từ nửa cuối năm ngoái đã khiến Trung Quốc quay sang nhập khẩu từ Indonesia."

Trong khi đó, Malaysia vẫn chưa công bố số liệu thống kê tháng Ba, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đã tăng 35,8% trong tháng 2 nhờ “xuất khẩu các sản phẩm điện tử, sản phẩm dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tăng."

Xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc cũng tăng 14% trong tháng 2/2021.

Ở hầu hết các nước Đông Nam Á, xuất khẩu hàng hóa, ngoại trừ các mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, đã sụt giảm vào đầu năm ngoái do nhiều nước thực hiện phong tỏa.

Một số nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Singapore và Thái Lan đã cảm nhận được các ảnh hưởng của sự suy giảm thương mại toàn cầu do tình trạng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã làm dấy lên hy vọng về sự gia tăng của động lực thương mại trong khu vực.

Được ký vào tháng 11 năm ngoái, hiệp định thương mại tự do này có sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Tuần trước, Trung Quốc đã hoàn tất quá trình phê chuẩn RCEP và trở thành quốc gia thứ hai phê chuẩn hiệp định này sau Singapore. Các nước thành viên RCEP hy vọng hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục