"Sinh con năm Rồng cũng giống như các năm khác"

Trước việc rất nhiều người muốn có "rồng con," Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng năm Thìn cũng giống như các năm khác.
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,2 đến 1,3 triệu trẻ ra đời. Dự kiến, năm Nhâm Thìn 2012, số người đến sinh tại các bệnh viện tăng hơn 30% so với năm trước, sẽ tác động không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng ở một số địa phương.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác kiểm tra công tác dân số và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại 10 địa phương trong cả nước.

- Thưa Thứ trưởng, theo ông năm 2012 dự báo dân số Việt Nam có gia tăng hay không? Thứ trưởng có ý kiến gì về việc sinh con năm Rồng?

- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Từ đây cho đến khi dân số Việt Nam ổn định vào giữa thế kỷ XXI, số dân nước ta vẫn tiếp tục tăng do mức sinh vẫn cao hơn mức chết, bình quân mỗi năm trên 900.000 người. Năm 2012, năm Nhâm Thìn, theo dân gian là năm sinh con đẹp. Nhiều người đang muốn có ”rồng con” trong nhà năm 2012.

Tổng cục Thống kê đã đưa ra dự báo ”mức sinh năm 2012 có thể tăng lên.” Qua số liệu thống kê của chúng tôi, năm 2012 dự báo mức sinh có tăng so với năm 2011.

Theo chúng tôi, năm Thìn cũng giống như tất cả các năm khác, cũng có những người thành đạt, cũng có những người không thành đạt (các dữ liệu hiện tại của những người sinh năm Thìn không thật sự tốt hơn các năm khác). Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì mức sinh năm 2012 có thể tăng. Ví dụ như năm 2003 là năm Quý Mùi, số trẻ em sinh ra tăng so với các năm trước đó, nhưng chưa thấy điềm tốt đâu, mà đã thấy các trẻ em năm sinh 2003 phải đối mặt với việc gặp khó khăn khi nhập học mẫu giáo, tiểu học như phóng sự của một số đài báo đã đưa và chắc là sau này khi tìm việc làm thì cơ hội sẽ khó khăn hơn các thế hệ khác.

- Theo Thứ trưởng, nguyên nhân sâu xa và cơ bản nào dẫn đến tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam thời gian qua cũng như sắp tới?


- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam có 5 đặc điểm riêng cần lưu ý. Thứ nhất, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng lại nhanh hơn so với một số nước châu Á. Thứ hai, tỷ suất giới tính khi sinh của Việt Nam cao ngay từ lần sinh thứ nhất. Thứ ba, tỷ suất giới tính khi sinh cao ở lần sinh cuối cùng. Thứ tư, tỷ suất giới tính khi sinh cao ở những tỉnh xung quanh các thành phố lớn. Thứ năm, tỷ suất giới tính khi sinh cao ở những gia đình có kinh tế khá giả, ở những phụ nữ có trình độ học vấn cao và mức sinh thấp.

Nguyên nhân trực tiếp là việc “lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh” của một một bộ phận như: áp dụng ngay từ trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn, thậm chí sử dụng các bài thuốc dân gian…); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y...); hoặc khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối...) để chẩn đoán giới tính, nếu thai nhi là trai thì họ để lại, nếu thai nhi là gái thì bỏ đi.

Nguyên nhân phụ trợ, thứ nhất là áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con, nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai vì vậy họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh như một cứu cánh để đáp ứng được cả 2 mục tiêu. Thứ hai, nhu cầu phát triển kinh tế gia đình: ở một số vùng miền, nhiều công việc nặng nhọc, đặc biệt là công việc trong các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt xa bờ,... đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Thứ ba, chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, hiện nay 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của xã hội hiện nay, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai, vì thế họ sẽ cảm thấy lo lắng và rất không an tâm trong tương lai khi chưa có con trai. Thứ tư, chính sách ưu tiên đối với nữ giới chưa thật thỏa đáng.

Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa và cơ bản của Việt Nam cũng như một số nước châu Á, chính bởi tư tưởng Nho giáo truyền thống của gia đình phụ hệ, nối dõi tông đường, thờ tự... đã làm cho tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt như: từ khi chuẩn bị kết hôn, nhà trai phải chủ động, ngay trên thiếp mời dự đám cưới, phông chữ trang trí cũng thường lấy tên nhà trai trước.

Người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. Quan niệm có con trai mới được xem là đã có con - “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, không có con trai là tuyệt tự. Đến khi có con, phải theo họ của bố. Khi cha mẹ chết, con trai được đứng trước, con gái đứng sau, chỉ có cháu trai mới được bê bát hương ông, bà; con trai mới mới được vào nơi thờ tự, đóng góp giỗ tổ tiên... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Do vậy từ nhận thức đến thay đổi hành vi, thay đổi một phong tục, tập quán đã có từ ngàn đời nay, không dễ dàng và không thể một sớm một chiều mà phải xác định đây là một công việc đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, lâu dài. Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cũng cần phải thời gian và bước đi thích hợp.

- Thưa Thứ trưởng, rõ ràng vấn đề mất cân bằng giới tính không còn là chuyện nhỏ mà phải được cụ thể hóa trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, vậy Bộ Y tế cần thực hiện các giải pháp nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến:
Đứng trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang thực hiện đồng bộ các giải pháp can thiệp nhằm giảm tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh để đạt mục tiêu “Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 115/100 vào năm 2020” tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 17/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Cụ thể:

Tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến giới và giới tính khi sinh. Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 3121/BYT-BMTE ngày 21/5/2009 về việc nghiêm cấm lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi. Hằng năm đều có hướng dẫn các quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và can thiệp để làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Lãnh đạo Bộ y tế đang phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân của 10 tỉnh có tỷ suất giới tính khi sinh cao nhất triển khai các giải pháp quyết liệt để có thể tác động làm giảm tỷ suất giới tính khi sinh.

Sau khi Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban Nhân dân của 10 tỉnh nói trên, chúng tôi đã thống nhất phải triển khai các giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng này.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các nhà xuất bản, các trang thông tin điện tử, các nhà sách... phát hiện, thu hồi những ấn phẩm hoặc yêu cầu dỡ bỏ những nội dung quảng bá, tuyên truyền, hướng dẫn việc sinh con theo ý muốn.

Bộ Y tế cùng với các Sở Y tế đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế công lập, các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là các cơ sở siêu âm, các phòng khám sản phụ khoa-kế hoạch hóa gia đình để phát hiện, xử lý những trường hợp chẩn đoán giới tính thai nhi, phá thai vì lý do giới tính.

Triển khai các mô hình hoạt động can thiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam giai đoạn 2012-2020 với các giải pháp mang tính tổng thể tác động tới tỷ suất giới tính khi sinh.

Bộ Y tế đã triển khai Mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 40 tỉnh có tỷ suất giới tính khi sinh cao. Bước đầu ghi nhận được một số tác động làm thay đổi tỷ suất giới tính khi sinh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai Mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở khu vực đồng bào Công giáo và Phật giáo ở hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Các linh mục, các sư sãi đã tích cực vận động giáo dân, phật tử không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh, bước đầu đã mang lại kết quả tốt.

Bộ Y tế đã phối hợp với UNFPA và các cơ quan có liên quan tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng xung quanh vấn đề mất cân bằng tỷ suất giới tính khi sinh. Tháng 10/2011, Bộ Y tế phối hợp với UNFPA tổ chức Hội thảo quốc tế “Chia sẻ tầm nhìn giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh” tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách của 11 nước và các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này.

Từng bước xử lý mối quan hệ giữa “mô hình gia đình ít con” và tỷ suất giới tính khi sinh kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng cho thấy: Trung Quốc mặc dù đã áp dụng những biện pháp hết sức quyết liệt, thậm chí là hà khắc nhưng tỷ suất giới tính khi sinh vẫn tiếp tục tăng cao, phải chăng do chính sách “Một con rưỡi” (?). Hàn Quốc chỉ thành công trong việc đưa tỷ suất giới tính khi sinh trở về với mức sinh học bình thường khi họ từ bỏ hẳn chính sách giảm sinh, chuyển sang giai đoạn khuyến sinh.

Đối với nước ta cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp: từ truyền thông chuyển đổi hành vi, các giải pháp về kinh tế như chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, đảm bảo an sinh xã hội... đến việc xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bản chất của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình nói chung, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính nói riêng, như Đảng ta đã khẳng định, đây là một “cuộc vận động lớn.”

Vì thế, giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi trong đó có việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân thấy hết được nguy cơ, hệ lụy của việc mất cân bằng tỷ suất giới tính khi sinh để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn trước sinh mới thực sự mang lại hiệu quả bền vững.

- Theo Thứ trưởng, xu hướng phát triển dân số Việt Nam của chúng ta có theo mô hình như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu hay không? Dân số Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến:
Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế năm 2005, nhưng 4 năm sau, theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009 vẫn còn tới 28 tỉnh, thành phố (chiếm tới 34% dân số) chưa đạt được mức sinh thay thế, cá biệt có những tỉnh tổng tỷ suất sinh còn rất cao như Kon Tum (3,45), Hà Giang (3,08), Lai Châu (2,96),… và tâm lý của người dân trong xã hội nông nghiệp lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo vẫn mong muốn có đông con còn rất nặng nề.

Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy 90% phụ nữ có 1 con muốn sinh thêm con; 61% phụ nữ có 2 con muốn sinh thêm con và 50% phụ nữ mặc dầu đã có 3 con nhưng vẫn muốn sinh thêm con, trong đó có tới 68% phụ nữ đã có 3 con gái vẫn muốn sinh thêm con(!).

Hai là xu hướng giảm sinh xuống mức thấp, có 24 tỉnh, thành phố (chiếm 37,3% dân số) có Tổng tỷ suất sinh dưới 2 con, cá biệt có tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh ở mức thấp như: Thành phố Hồ Chí Minh (1,45), Vĩnh Long (1,63), Bình Dương (1,7)...

Và cùng với sự phát triển thì tâm lý của một bộ phận nhân dân trong xã hội công nghiệp hiện đại, mức sống cao mong muốn sinh ít con sẽ làm mức sinh tiếp tục giảm như xu hướng của các nước phát triển. Để tránh những biến động bất lợi cho việc ổn định quy mô dân số ở mức phù hợp, để có được cơ cấu dân số hợp lý, kéo dài thời gian của cơ cấu “dân số vàng” đòi hỏi phải duy trì mức sinh thấp, hợp lý và cần có chính sách linh hoạt, thích hợp với những diễn biến của mức sinh để tránh được các vấn đề mà các nước đi trước đã gặp phải.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 và đến năm 2020, tỷ lệ tăng dân số ở nước ta ở mức khoảng 1%. Điều đó có nghĩa rằng không được phép để cho tỷ lệ tăng dân số tăng cao nhưng đồng thời cũng không cho phép tỷ lệ này hạ thấp quá mức. Năm 2010, tổng tỷ suất sinh của nước ta là 2,0; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đề ra chỉ tiêu Tổng tỷ suất sinh giảm xuống 1,9 vào năm 2015 và 1,8 vào năm 2020.

- Trân trọng cám ơn Thứ trưởng./.

Nhật Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục