Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 9/9 cho biết nước này sẽ không nhượng bộ trước áp lực từ Đức và Pháp, đồng thời sẽ vẫn phản đối hạn ngạch bắt buộc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải tái định cư cho tổng cộng 160.000 người tị nạn.
Phát biểu trước báo giới sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker công bố kế hoạch phân bổ hạn ngạch bắt buộc để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trong khối hiện nay, Thủ tướng Fico khẳng định Slovakia có quan điểm riêng của mình, là nói “không” với hạn ngạch bắt buộc, do lo ngại tiềm ẩn các nguy cơ về an ninh khi có hàng chục nghìn người di cư xa lạ sinh sống trên lãnh thổ nước này.
Nhà lãnh đạo Slovakia nêu rõ chính phủ nước này sẵn sàng đóng góp tài chính, điều lực lượng quân đội, cũng như thực hiện các hỗ trợ cần thiết khác nhằm bảo vệ những khu vực biên giới ngoài EU. Cụ thể, trong ngày 9/9, nước này đã gửi hàng viện trợ, gồm lều trại, chăn, giày, quần áo..., tới cho người tị nạn tập trung tại thị trấn biên giới Roszke giữa Hungary và Serbia.
Ngoài Slovakia, các nước Đông Âu là thành viên EU cũng bất đồng với các quốc gia Tây Âu trong khối, như Pháp, Đức, về hạn ngạch tiếp nhận bắt buộc những người di cư từ các quốc gia bất ổn tại Trung Đông, châu Á và châu Phi.
Trước đó, theo kế hoạch phân bổ trên, Slovakia sẽ phải tiếp nhận 1.502 người tị nạn trong tổng số 120.000 người hiện đã tới Hy Lạp, Hungary và Italy, trong khi hai nước Đức và Pháp sẽ tiếp nhận số lượng lớn nhất người di cư xin tị nạn lần lượt là 31.443 và 24.031 người.
Hồi tháng Bảy vừa qua, Slovakia chấp thuận tiếp nhận tạm thời 500 người di cư trước đó xin tị nạn tại Áo. Một tháng sau, Bộ Nội vụ Slovakia ra thông báo sẽ chỉ có thể tiếp nhận tị nạn đối với 200 người Syria theo đạo Cơ đốc trong khoảng 2 năm, bởi nhận thấy họ có khả năng hòa nhập tốt trong xã hội nước này.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg thông báo đã đệ trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nguyện vọng đăng cai tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế, nhằm hỗ trợ hàng triệu người tị nạn tới từ Syria và các quốc gia láng giềng xảy ra nội chiến.
Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong thời gian qua, hơn 4 triệu người Syria đã phải rời bỏ đất nước, trong khi con số này ở Afghanistan là 4,6 triệu người./.