Slovenia ủng hộ thỏa thuận biên giới với Croatia

Slovenia đã tán thành thỏa thuận phân định biên giới với Croatia, dỡ bỏ rào cản với nỗ lực gia nhập EU của nước láng giềng này.
Ủy ban bầu cử quốc gia Slovenia cho biết với tỷ lệ phiếu ủng hộ sít sao (51,5% số phiếu ủng hộ trong tổng số 99,9% số phiếu được kiểm), cử tri Slovenia đã tán thành thỏa thuận phân định biên giới với Croatia trong một cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 6/6.

Sự kiện trên đã dỡ bỏ rào cản lớn nhất đối với nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước láng giềng thuộc Nam Tư cũ này.

Theo thỏa thuận phân định biên giới, một nhóm làm việc quốc tế sẽ giải quyết tranh chấp biên giới trên bộ và trên biển giữa hai nước có từ năm 1991, sau khi Nam Tư tan rã.

Phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia, Thủ tướng Slovenia Borut Pahor khẳng định: "Đây là một quyết định lịch sử, một thắng lợi to lớn đối với Slovenia."

Về phần mình, Thủ tướng Croatia Jadranka Kosor, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Slovenia sau cuộc trưng cầu ý dân, cũng cho rằng việc Zagreb gia nhập EU sẽ không vấp phải sự phản đối của Ljubljana.

Các nhà phân tích cũng thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Slovenia sẽ thúc đẩy cơ hội gia nhập EU của Croatia vào năm 2012 nếu nước này hoàn tất các cuộc đàm phán gia nhập khối kinh tế này trong năm tới, đồng thời chấm dứt tranh cãi kéo dài 19 năm qua giữa hai nước về vấn đề biên giới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu ý dân trên, khẳng định đây là một bước tiến quan trọng.

Ông nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề song phương này là một tín hiệu quan trọng đối với khu vực cũng như các mối quan hệ giữa Slovenia và Croatia.

Slovenia và Croatia là hai nước thuộc Nam Tư cũ. Kể từ khi hai quốc gia này tách khỏi Nam Tư năm 1991, vấn đề phân định ranh giới trên bộ và trên biển trở thành nguồn gốc gây xích mích giữa hai nước, đặc biệt tại khu vực vịnh Piran trên biển Adriatic.

Với 46km đường bờ biển Adriatic, song Slovenia lại bị Croatia phong tỏa việc tiếp cận với hải phận quốc tế khi Dagrép đòi đường biên giới trên biển giữa hai nước phải được kéo xuống tới giữa Vịnh Piran.

Căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm vào năm 2008, khi Slovenia, với tư cách là thành viên EU, đã ngăn cản các cuộc đàm phán gia nhập liên minh này của Croatia.

Tháng 11/2009, Thủ tướng hai nước đã thỏa thuận đưa vấn đề tranh chấp biên giới trên biển lên trọng tài quốc tế giải quyết. Tuy Quốc hội hai nước đã thông qua thỏa  thuận này, song Slovenia vẫn quyết định tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục