Số ca mắc giảm dần, nhịp sống bình thường quay lại với các nước Nam Á

Các khu chợ đã nhộn nhịp trở lại. Nhiều nơi lại chứng kiến cảnh tắc đường. Những lao động di cư đã quay trở lại các thành phố, trong khi nhiều học sinh, sinh viên đang quay trở lại trường học.
Số ca mắc giảm dần, nhịp sống bình thường quay lại với các nước Nam Á ảnh 1Người dân mua thực phẩm tại khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc sống người dân ở Nam Á dần trở lại nhịp độ trước đây sau khi số ca mắc COVID-19 giảm dần, mặc dù một số khu vực vẫn duy trì các biện pháp chống dịch, trong đó có quy định đeo khẩu trang.

Các khu chợ đã nhộn nhịp trở lại. Nhiều nơi lại chứng kiến cảnh tắc đường. Những lao động di cư đã quay trở lại các thành phố, trong khi nhiều học sinh, sinh viên đang quay trở lại trường học.

Những “vết sẹo” tinh thần từ làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta gây ra hồi năm ngoái vẫn tồn tại, đặc biệt tại Ấn Độ - nơi chứng kiến hàng triệu ca mắc COVID-19 khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng khủng hoảng.

[Chuyên gia WHO nêu cách xác định triệu chứng hậu COVID-19]

Mặc dù vậy, trên toàn khu vực Nam Á nói chung, những yếu tố như tỷ lệ tiêm vaccine cao và việc biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao được cho là có thể đẩy nhanh đạt miễn dịch cộng đồng, đang khiến người dân dần lấy lại thái độ lạc quan.

Giới chuyên gia cho rằng việc các nước trong khu vực mở cửa trở lại là quyết định đúng đắn khi mà số ca mắc COVID-19 giảm, song họ cũng khuyến cáo cần phải hành động thận trọng, rút kinh nghiệm từ những bài học có được trong 2 năm đại dịch vừa qua.

Tiến sỹ Gagandeep Kang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường Cao đẳng Y tế Christian ở thành phố Vellore, miền Nam Ấn Độ, cho rằng chính phủ nước này nên bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ cho các trường hợp y tế khẩn cấp trong tương lai, “cho dù đó là COVID-19 hay mối nguy nào khác.”

Theo bà Kang, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn là mối đe doạ, đặc biệt khi virus này đã biến đổi thành các biến thể khiến tỷ lệ tử vong cao hơn trong khi vẫn duy trì khả năng lây nhiễm cao.

Hiện Chính phủ Ấn Độ đặt trọng tâm là phục hồi kinh tế, khi đại dịch khiến nghèo đói gia tăng tại quốc gia này. Đến nay, nhiều công nhân đã bắt đầu quay trở lại các thành phố để làm việc tại các nhà máy và công trường.

Tại các nước Nepal hay Sri Lanka, người dân dần tụ tập đông đúc trở lại tại các lễ hội hay bãi biển.

Tuy nhiên, quốc đảo Sri Lanka vẫn duy trì một số biện pháp chống dịch, như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, song chính phủ nước này hy vọng rằng khách du lịch nước ngoài sẽ sớm quay trở lại, góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế vốn chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Tương tự, tại Bangladesh, người dân đang thận trọng cởi bỏ khẩu trang trong khi vẫn đang đối phó với tác động của đại dịch COVID-19.

Cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, sau đại dịch, khu vực Nam Á đang tập trung vào mục tiêu phục hồi kinh tế.

Đối với nhiều người dân tại đây, ở thời điểm này, mối lo ngại dịch bệnh dường như không thể so sánh được với những thách thức khác, như lạm phát hay thất nghiệp.

Tuy vậy, đa số đều đồng tình rằng thời điểm khủng hoảng dịch bệnh, khi hệ thống y tế quá tải, vẫn là thời điểm tồi tệ nhất mà không ai muốn phải trải qua một lần nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục