Số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 tăng mạnh tại Mỹ, Pháp và Anh

Số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 tăng tại Mỹ, Pháp và Anh -

Trong những này vừa qua, Mỹ, Pháp và Anh đã ghi nhận những số liệu không tích cực về các ca tử vong vì COVID-19, do sự lây lan của biến thể siêu lây nhiễm Delta.
Số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 tăng tại Mỹ, Pháp và Anh - ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 17/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong những này vừa qua, Mỹ, Pháp và Anh đã ghi nhận những số liệu không tích cực về các ca tử vong vì COVID-19, do sự lây lan của biến thể siêu lây nhiễm Delta. 

Số ca nhập viện và tử vong tại Mỹ và Pháp tăng mạnh

Ngày 23/8, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết số ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì COVID-19 đang tiếp tục tăng do sự lây lan của biến thể siêu lây nhiễm Delta. 

Theo báo cáo hằng tuần mới nhất của CDC Mỹ, số ca nhiễm mới hằng ngày trung bình trong 7 ngày qua (133.056 ca) đã tăng 14% so với mức trung bình của tuần trước đó (116.740 ca).

Tương tự, số ca mới phải nhập viện trong tuần từ 11-17/8 là 11.521 ca, tăng 14,2% so với tuần trước đó (10.088 ca).

Các bang Alabama, Florida, Louisiana, Mississippi, Oregon và Washington có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất.

[Tổng thống Mỹ hối thúc người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19]

Trong khi đó, số ca tử vong mới trung bình trong tuần qua (641 ca) đã tăng 10,8% so với tuần trước đó (578 ca). Tính trên cả nước, tổng số ca nhiễm biến thể Delta ước tính tăng 98,8%. 

Theo số liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins, hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ là hơn 37,8 triệu ca, trong đó có hơn 692.000 ca tử vong. Tính đến ngày 22/8, đã có 51,5% dân số Mỹ đã được tiêm vaccine. 

Pháp: Số người nhập viện ở mức cao nhất trong 2 tháng qua

Tại Pháp, các quan chức y tế ngày 23/8 cho biết số người phải nhập viện vì COVID-19 và phải điều trị tích cực đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua.

Biến thể Delta đang khiến hệ thống y tế trở nên quá tải. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở Pháp là 5.166 ca trong 24 giờ qua, giảm 11,4% so với cách đây một tuần. 

Số người phải nhập viện đã là 356 ca trong 24 giờ qua, lên mức 11.007 ca, vượt ngưỡng 11.000 ca kể từ ngày 17/7. Bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực tăng 87 ca, lên mức 2.215 ca, con số cao nhất kể từ ngày 10/6.

Số ca tử vong mới là 108 ca, lên 113.496 ca, cũng là mức cao thứ 11 trên thế giới. Với tổng số ca nhiễm hơn 6,6 triệu ca, Pháp đang đứng thứ 5 thế giới về mức độ ảnh hưởng của dịch.

Bộ trưởng Y tế Olivier Veran dự báo làn sóng lây nhiễm thứ tư có thể lên tới đỉnh điểm trong vài ngày tới, đồng thời bày tỏ lo ngại các tác động khi học sinh trở lại trường.

Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ tháng 3

Tại Anh, Cơ quan Y tế Công cộng England cho biết trong vòng 7 ngày qua, Anh ghi nhận trung bình 100 ca tử vong/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3. 

Theo phóng viên TTXVN tại London, dù số ca tử vong hiện thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của mùa Đông năm ngoái (khi có tới 1.248 ca được ghi nhận trong ngày 23/1), các nhà khoa học cho rằng đây là mức tăng đáng chú ý kể từ cuối tháng 5, đầu tháng 6. 

Các nhà khoa học cảnh báo tỷ lệ tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng khi hàng triệu học sinh và sinh viên trên khắp nước Anh tựu trường vào tuần tới.

Số liệu của cơ quan trên ngày 23/8 cũng cho biết số ca mắc mới (31.914 ca) cũng bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào giữa tháng 7.

Số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua tăng 13% so với tuần trước. Số ca nhập viện tăng từ 672 ca vào ngày 31/7 lên 948 ca vào ngày 17/8.

Tại Scotland, nơi hầu hết học sinh trở lại trường vào tuần trước, số ca mắc đã tăng mạnh, từ 799 ca vào ngày 2/8 lên 3.190 ca vào ngày 22/8.

Giáo sư Ravi Gupta của Đại học Cambridge, thành viên Nhóm tư vấn của chính phủ về các mối đe dọa virus đường hô hấp mới và mới nổi (Nervtag), dự báo khi các trường học hoạt động trở lại, Anh có thể trải qua một giai đoạn kéo dài trong đó các ca nhập viện do COVID-19 đứng ở mức cao. 

Về phần mình, Giáo sư Rowland Kao từ Đại học Edinburgh, thành viên của Nhóm nghiên cứu khoa học về mô hình đại dịch cúm (Spi-M), cũng cho rằng gần đây các ca nhập viện do COVID-19 ở Anh có xu hướng gia tăng.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo khả năng gia tăng số ca mắc COVID-19 cùng với các virus cúm khác vào mùa Thu và mùa Đông năm nay có thể đòi hỏi Anh áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang.

Theo Giáo sư Gupta, việc áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang là biện pháp thận trọng cần thiết giúp hạn chế dịch bệnh lây lan trong khi không ảnh hưởng lớn tới quyền tự do của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục