Số ca nhiễm virus MERS tăng nhanh ở Saudi Arabia

Ngày 23/4, giới chức y tế Saudi Arabia xác nhận có thêm 11 ca nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS).
Số ca nhiễm virus MERS tăng nhanh ở Saudi Arabia ảnh 1Nhân viên y tế và người nước ngoài đeo khẩu trang phòng chống MERS tại bệnh viện ở thành phố Jeddah ngày 22/4. (Nguồn:AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 23/4, giới chức y tế Saudi Arabia xác nhận có thêm 11 ca nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS).

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết trong số các ca nhiễm mới, có 4 trường hợp được phát hiện tại thủ đô Riyadh, 6 trường hợp tại thành phố Jeddah và 1 trường hợp tại thánh địa Mecca.

Hiện 8 người đang được điều trị tích cực, 2 người trong tình trạng ổn định và 1 người không có triệu chứng. Ba trong số các bệnh nhân mới nhiễm làm việc trong lĩnh vực y tế.

Cho đến nay, tổng cộng đã có 272 ca nhiễm virus MERS tại Saudi Arabia, trong đó 81 trường hợp tử vong, kể từ khi chủng virus này xuất hiện ở quốc gia vùng Vịnh này hồi tháng 9/2012.

Đáng chú ý là virus nguy hiểm này lần đầu tiên được phát hiện tại thánh địa Mecca. Số liệu này cũng tăng vọt so với con số được Bộ Y tế Saudi Arabia xác nhận hôm 6/4 là 167 ca nhiễm và 66 ca tử vong.

Tốc độ lây lan nhanh của virus MERS khiến Chính quyền Saudi Arabia hết sức lo ngại trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị đón hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới trong tháng lễ Ramadan vào tháng Bảy tới, cũng như lễ hành hương hàng năm Haj tại thánh địa Mecca và Medina vào đầu tháng 10.

Hôm 21/4 vừa qua, Hoàng gia Saudi Arabia đã ra sắc lệnh cách chức Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah. Hiện đảm nhiệm quyền Bộ trưởng Y tế là Bộ trưởng Lao động Adel Fakieh. Tuần trước, đã có ít nhất 4 bác sỹ tại bệnh viện King Fahd đã phải từ chức do từ chối chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm MERS.

Theo một nghiên cứu, MERS là loại virus có nguồn gốc từ lạc đà, xuất hiện từ ít nhất 20 năm trước và đã lây truyền sang người, đến nay đã biến thể lây nhiễm trực tiếp từ người sang người do tiếp xúc gần.

Hiện vẫn chưa có vắcxin ngừa chủng virus này và các chuyên gia đang nỗ lực nghiên cứu. MERS bị coi là "sứ giả của thần chết" với tỷ lệ tử vong lên tới hơn 40% song khả năng lan truyền ít hơn "người anh em" SARS, loại virus từng bùng phát ở châu Á năm 2003 khiến 8.273 người bị nhiễm, trong đó có 9% người bệnh tử vong.

Ngày 20/4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các phòng thí nghiệm đã xác nhận tổng cộng 253 ca nhiễm virus MERS trên toàn thế giới, trong đó 93 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục