Theo một báo cáo mới của Kauffman Foundation, số doanh nghiệp công nghệ mới của Mỹ - trung tâm công nghệ hàng đầu của thế giới - đang có xu hướng giảm và có thể gây ra khó khăn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Số doanh nghiệp mới, hoạt động được 5 năm trở xuống, yếu tố chủ chốt tạo ra việc làm cho thị trường lao động - đã giảm xuống dưới 80.000 công ty, so với ngưỡng cao 113.000 công ty vào năm 2001.
Con số hiện nay xấp xỉ với mức của hồi giữa thập niên 1990.
Đồng tác giả của báo cáo trên Ian Hathaway cho biết các yếu tố có thể góp phần dẫn tới tình trạng trên bao gồm xu hướng các công ty công nghệ đã hoạt động lâu năm ngày càng tăng cường mua lại các doanh nghiệp mới.
Ví dụ, khi mạng xã hội Facebook mua lại trang web chia sẻ hình ảnh Instagram vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD, mới chỉ ra đời được 2 năm.
Trong khi đó, nhiều công ty lâu đời ở Thung lũng Silicon - trung tâm công nghệ của Mỹ - chỉ tuyển dụng lại các kỹ sư công nghệ tài năng - xu hướng được gọi là "thuê mua."
Ông Hathaway, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức chính sách Engine có nguồn vốn cung cấp từ các doanh nghiệp mới, cho biết sự tập trung của công luận vào doanh nghiệp công nghệ trẻ thành công như báo trực tuyến Pinterest và trang mạng xã hội Twitter khiến người ta quên rằng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đang giảm so với trước đây.
Tuy vậy, ông Hathaway tin rằng lĩnh vực công nghệ đã trải qua một sự hồi phục trong hai năm qua không được phản ánh trong số liệu của báo cáo này, kết thúc vào năm 2011.
Ông Hathaway cho rằng nền kinh tế công nghệ của Mỹ yếu hơn suy nghĩ của nhiều người và điều này có thể làm giảm năng suất lao động.
Bộ Lao động Mỹ hồi đầu tháng Hai cho biết, trong năm 2013, năng suất lao động ở Mỹ đã tăng 0,6%, so với mức tăng 1,5% năm 2012.
Trong khi đó, tỷ lệ tái phân bổ việc làm, là tỷ lệ việc làm được tạo ra cộng giá trị của tỷ lệ việc làm bị mất, ở các công ty công nghệ Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 28% trong năm 2011, so với một năm trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối thập niên 1970./.