Sơ kết chương trình quốc gia xây nông thôn mới

Để đạt mục tiêu Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cần coi trọng, phát huy vai trò làm chủ của người dân.
Ngày 22/1, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới Trung ương đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình năm 2010 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2011 với mục tiêu xây dựng được mô hình nông thôn mới trong thực tiễn và rút ra những kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Chính phủ đã ban hành.

Phát biểu kết luận chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo các cấp; các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, Ban Quản lý các xã và đặc biệt là sự cố gắng của nhân dân 11 xã điểm đã tích cực tham gia, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới.

Ông đã chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là việc triển khai một số nội dung còn chậm so với kế hoạch; còn lúng túng trong cơ chế huy động nội lực, cơ chế ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu trên địa bàn cho các xã điểm, trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu vào thực hiện chương trình, trong giải ngân, thanh quyết toán các nguồn vốn ngân sách cấp...

Việc triển khai các nội dung về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, nâng cao thu nhập cho người dân ở một số xã chưa mạnh. Các nội dung về phát triển giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội ở các xã điểm chưa đạt được kết quả như mong muốn...

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nhấn mạnh công việc của Chương trình còn khá nhiều, trong khi thời gian chỉ còn gần 1 năm. Để đạt được mục tiêu của Chương trình, Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt trong nhân dân các xã điểm về yêu cầu, mục tiêu của Chương trình.

Phương châm “dân biết, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ” cần được thực hiện đầy đủ, coi trọng, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong tất cả các nội dung xây dựng nông thôn mới. Các địa phương huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, Nhà nước hỗ trợ một phần và chỉ đạo “ưu tiên làm trước” các chương trình mục tiêu trên địa bàn cho các xã điểm.

Ông cho rằng thực hiện đúng chủ trương này thì chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thành công và sẽ được nhân ra diện rộng.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, đến hết năm 2010 và sau gần 2 năm thực hiện, so với mục đích, yêu cầu đề ra, Chương trình đã thành công bước đầu và đạt được một số kết quả quan trọng.

Số tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia, các xã đã đạt và cơ bản đạt được, tăng hơn gấp 2 đến 3 lần so với trước khi triển khai. Đến nay đã có 7/11 xã đạt được 10 tiêu chí trở lên, trong đó có 3 xã đạt 14/19 tiêu chí; 3 xã đạt từ 8-10 tiêu chí. Trong đó, một số xã đã đạt được các tiêu chí về thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tổ chức sản xuất có hiệu quả, đây được xem là những tiêu chí khó thực hiện nhất.

Các nội dung xây dựng các hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất ở các xã đã đạt được kết quả rõ nét và toàn diện hơn; các hoạt động văn hóa, xã hội và môi trường được quan tâm; hệ thống chính trị và công tác cán bộ ở các xã điểm được củng cố, nâng cao; an ninh trật tự được giữ vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục