Sơ kết một năm triển khai chiến lược công tác dân tộc

Đến nay, nhiều chính sách mới đã được ban hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày 24/6, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban Dân tộc cùng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm triển khai chiến lược công tác dân tộc và 3 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc.

Đến dự Hội nghị có đại điện các bộ, ngành và 20 tỉnh chủ yếu miền núi phía Bắc.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020.

Chiến lược xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thành cơ bản định canh-định cư, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.

Việc ban hành hai Quyết định này thể hiện tính toàn diện, đồng bộ, ổn định và bền vững cho một giai đoạn phát triển, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau một năm triển khai, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các ban, ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015; thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới...; sửa đổi chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó còn thực hiện các đề án xây dựng mới như Đề án thành lập Học viện dân tộc gắn với việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi nay đã hoàn thành được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định; đề án xây dựng các mô hình kinh tế-xã hội bền vững tại các vùng...

Tính đến ngày 20/6 vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã tổng hợp được kế hoạch triển khai chiến lược của 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 426 nhiệm vụ, gồm các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc phân bổ ngân sách vừa chậm vừa thiếu, thanh toán vốn gặp các thủ tục phức tạp, khó khăn đã ảnh hưởng đến tiến độ. Việc xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược còn khó khăn, địa bàn rộng, liên quan đến nhiều ngành nhiều cấp và do đó khó khăn trong việc phân bổ, bố trí kinh phí để triển khai.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, Ủy ban dân tộc đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyền truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện Nghị định và ban, hành các văn bản theo thẩm quyền.

Đến nay, nhiều chính sách mới đã được ban hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì các chính sách dân tộc nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, thuộc nhiều bộ, ngành quản lý, nhiều chính sách thực hiện trên cùng một địa bàn nhưng riêng lẻ, phân tán, khó lồng ghép; các chính sách chỉ mang tính giai đoạn nên hiệu pháp lý chưa cao, chưa ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu mục đích.

Hội nghị yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh thành tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương nhằm kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung...; kịp thời ngăn chặn những sai phạm, thất thoát trong việc thực hiện các chính sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục