Số người chết trong vụ lật tàu cao tốc đã lên 39

Theo Tân Hoa, số người chết trong vụ tai nạn lật tàu cao tốc kinh hoàng ở tỉnh Triết Giang hôm 23/7 đã tăng lên thành 39 người.

Theo Tân Hoa xã, số người chết trong vụ tai nạn lật tàu cao tốc kinh hoàng ở địa phận Ôn Châu, thuộc tỉnh Triết Giang hôm 23/7 đã tăng lên thành 39 người, trong đó có hai người Mỹ. Ngoài ra, số người bị thương là 192 người.

Trước đó, giới chức địa phương thông báo đã có 35 người thiệt mạng và 221 người bị thương khi tàu cao tốc mang số hiệu D301 đâm vào tàu D3115 ở địa phận thị trấn Song Tử, Ôn Châu, thuộc tỉnh Triết Giang.

Các quan chức Ôn Châu cũng cho biết toàn bộ 39 người thiệt mạng trong thảm kịch này đều đã được gia đình nhận diện, căn cứ vào số chứng minh, quần áo cũng như một số đặc điểm nhận dạng khác.

Tuy nhiên, người phát ngôn chính quyền Ôn Châu cho biết chính quyền vẫn sẽ tiến hành xác minh một lần nữa bằng ADN cho chính xác.

Trong ngày 24/7 thì quan chức Bộ Đường sắt đã xin lỗi trước công luận về thảm họa này.

Tuy nhiên, vị quan chức trên vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào công nghệ tàu cao tốc cũng như kế hoạch phát triển của ngành đường sắt Trung Quốc.

“Công nghệ tàu cao tốc của Trung Quốc rất tiên tiến và chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự phát triển ấy,” ông Wang Yongping, người phát ngôn của Bộ cho biết.

Vụ tai nạn này xảy ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi Bộ Đường sắt Trung Quốc - Bộ trẻ nhất trong chính phủ, long trọng khánh thành tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh với Thượng Hải trị giá 3 tỷ USD, giúp cho việc đi lại giữa hai thành phố lớn nhất nước được rút gọn còn có 5 tiếng đồng hồ (xem video).

Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đang mang tham vọng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới trong vài năm tới, từ 8.000km như hiện nay lên thành 16.000km vào năm 2020. Ngân sách dành cho kế hoạch “vĩ đại” này trong năm năm tới sẽ là 400 tỷ USD.

Tuyến đường sắt đầy tự hào ấy sẽ nối những vùng nông thông xa xôi với các đầu tầu kinh tế trọng điểm. Và nhờ đó, Trung Quốc hy vọng sẽ rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo giữa các miền.

Tuy nhiên, ngay sau lễ khánh thành này, phát biểu trên CNN, giáo sư đường sắt Sun Zhang thuộc Đại học Tongji ở Thượng Hải, người từng có thời gian dài làm cố vấn ở Bộ Đường sắt đã cảnh báo: “Nhanh hơn không có nghĩa là tốt hơn. Chúng ta phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, cũng như cân nhắc tới các khía cạnh như kinh tế và môi trường.”

[Xem thêm hình ảnh về tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải]

Sau vụ tai nạn, một số chuyên gia hàng đầu về đường sắt ở Trung Quốc cũng cho rằng ngành đường sắt nước này phát triển quá nóng, trong khi tình trạng tham nhũng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

“Về mặt chiến lược thì đường sắt cao tốc chính là mũi đột phá của nền kinh tế, nhưng cần phải thực hiện từng bước một,” giáo sư Sun Zhang cho biết.

Còn theo Tân Hoa xã, sau khi xảy ra vụ tai nạn, các giới chức ngành giao thông Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo một lần nữa về độ an toàn, không chỉ trên đường sắt mà còn ở mọi loại hình giao thông nói chung.

Bộ này cũng đã tổ chức một cuộc họp khẩn và đưa vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân lên hàng đầu.

Chỉ vài ngày trước khi xảy ra vụ lật tàu ở Triết Giang thì tại tỉnh Hà Nam cũng đã xảy ra vụ cháy xe buýt khiến 41 người thiệt mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục