Số người di cư đến Italy giảm trong khi đến Tây Ban Nha tăng

​Theo Frontex ngày 14/8, số người di cư từ Libya vượt Địa Trung Hải đến Italy trong tháng Bảy vừa qua giảm hơn một nửa so với tháng trước nhưng số người di cư vào Tây Ban Nha lại tăng.
Số người di cư đến Italy giảm trong khi đến Tây Ban Nha tăng ảnh 1Người di cư tới Melilla của Tây Ban Nha ngày 8/7 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Theo Cơ quan bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu (Frontex) công bố ngày 14/8 cho biết số người di cư từ Libya vượt Địa Trung Hải đến Italy trong tháng Bảy vừa qua đã giảm hơn một nửa so với tháng ​trước đó.

Tuy nhiên, số người đến Tây Ban Nha theo lộ trình ở Tây Địa Trung Hải trong cùng thời gian này lại tăng mạnh.

Cụ thể có 10.160 người di cư từ Bắc Phi đã đến các đường bờ biển ở miền Nam Italy trong tháng ​Bảy vừa qua, giảm 57% so với tháng trước đó và đây được ghi nhận là mức hàng tháng thấp nhất kể từ năm 2014.

[IOM quan ngại việc những kẻ buôn người đẩy người di cư xuống biển]

Thời tiết xấu và các cuộc xung đột ở Libya, nơi được coi là điểm xuất phát để nhiều người di cư tìm đường đến châu Âu, được cho là nguyên nhân khiến số người di cư tới châu Âu sụt giảm.

Ngoài ra, sự tăng cường hiện diện của Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya tại các vùng biển ở nước này cũng khiến những kẻ buôn người phải giảm bớt hoạt động đưa người di cư trái phép sang Italy.

Italy đã trở thành cửa ngõ chính để người di cư tìm đường đến châu Âu kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận năm 2016 với Ankara theo đó đóng cửa tuyến đường từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, vốn là tuyến đường chủ yếu được sử dụng bởi những người tỵ nạn Syria.

Cũng theo Frontex, có tới 2.300 người di cư từ Bắc Phi đã đến Tây Ban Nha trong tháng ​Bảy vừa qua, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng trong 7 tháng qua đã có khoảng 11.000 người di cư đến Tây Ban Nha, vượt số người di cư đến nước này trong cả năm 2016.

Cả tuyến đường ở phía Tây Địa Trung Hải đến Tây Ban Nha và tuyến đường ở Trung Địa Trung Hải đến Italy chủ yếu được những người di cư mang quốc tịch các nước châu Phi sử dụng.

EU coi hầu hết số người di cư này là do yếu tố kinh tế, chứ không phải là người tị nạn, nên không muốn tiếp nhận họ.

Vấn đề người di cư hiện đang là một chủ đề nóng trong chương trình nghị sự chính trị của Italy trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử theo lịch trình vào đầu năm tới.

Công luận Italy hiện đang có quan điểm ngày càng phản đối người di cư đến nước này.

Trong vòng 4 năm qua, tổng cộng gần 600.000 người di cư đã đến Italy.

EU hiện đang tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ để Libya can dự vào việc ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi đến châu Âu, bất chấp những chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền rằng chính sách này không giúp ích cho những người đang cần được sự hỗ trợ theo luật quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục