Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định cây trồng mới là "cây vàng tâm"

UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo nhưng không giải đáp 21 câu hỏi của báo giới liên quan tới Đề án cải tạo 6.700 cây xanh trên địa bàn thành phố mà chuyển cho Sở Xây dựng trả lời.
Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định cây trồng mới là "cây vàng tâm" ảnh 1Cây xanh bị chặt trên phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mới đây, ngày 20/3, thành phố Hà Nội đã họp báo công bố những vấn đề liên quan đến Đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh. Tuy vậy, thông tin tại cuộc họp báo chưa làm sáng tỏ những thắc mắc, kiến nghị, thậm chí hoài nghi và kỳ vọng của người dân cũng như các cơ quan báo chí.

Tại cuộc họp báo trên, 21 ý kiến, câu hỏi của báo giới hoàn toàn chưa được giải đáp vì lý do thời gian không cho phép, nên việc trả lời cụ thể từng câu hỏi được giao cho các cấp, ngành liên quan.

Ngày 25/3, Sở Xây dựng Hà Nội đã giải đáp, từng bước làm sáng tỏ các thắc mắc, kiến nghị của công luận và nhân dân về vấn đề này.

Trước câu hỏi về việc Hà Nội thực hiện thay thế cây xanh, thành phố đã đánh giá tác động môi trường hay chưa? Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, việc lập và triển khai Đề án cải tạo thay thế cây xanh các tuyến phố vừa qua là căn cứ vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch chuyên ngành về cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước.

Các quy hoạch này đã được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục, trong đó có đánh giá tác động môi trường, tác động cảnh quan, lấy ý kiến của cộng đồng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành. Đồng thời, sau khi quy hoạch được phê duyệt đã thông tin công khai minh bạch theo quy định.

Việc duy trì, cải tạo và thay thế cây xanh đường phố theo quy hoạch là công việc thường xuyên hàng năm được thực hiện theo quy định.

Trước việc thành phố chỉ đạo dừng chặt hạ cây xanh, có ý kiến thắc mắc rằng việc đình chỉ này sẽ diễn ra trong bao lâu? Về việc này, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá, phân loại các cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện từng bước đảm bảo duy trì mật độ cây xanh trên từng tuyến phố. Sở Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Sau khi thông qua việc rà soát, Sở Xây dựng sẽ cung cấp thông tin về kế hoạch, lộ trình thực hiện. Việc chặt hạ, thay thế các cây chết, sâu mục, gãy đổ ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công tác cắt tỉa cây mùa mưa bão là công việc thường xuyên, Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

Đối với các cây xanh nằm trong phạm vi các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị thì việc chặt hạ, đánh chuyển thực hiện theo tiến độ dự án.

Việc thay thế, đánh chuyển cây xanh trên địa bàn thành phố thời gian qua là chủ trương đúng, được thực hiện bám sát theo các quy định của nhà nước và thành phố, góp phần làm cho các tuyến phố ngày một trở nên đẹp hơn (nhất là khi cây đã trưởng thành), an toàn hơn khi mưa bão xảy ra; như đã thực hiện trên các phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, Hoàng Văn Thụ, Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu.

Dự luận và báo chí cũng quan tâm đến việc Hà Nội đã chặt hạ bao nhiêu cây và kinh phí thực hiện thời gian qua? Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ tháng 11/2014 đến đầu năm 2015, Thành phố đã và đang triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố, trong đó di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây. Kinh phí trồng mới do các đơn vị xã hội hóa ủng hộ, hỗ trợ, hiện chưa thanh quyết toán.

Về việc thẩm định, quyết định những cây cần chặt, Sở Xây dựng khẳng định Sở cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh theo Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 của Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố.

Trước khi tiến hành cấp phép chặt hạ, dịch chuyển, tổ công tác bao gồm Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh và Ủy ban Nhân dân phường sở tại kiểm tra, có biên bản và ảnh chụp lưu xác định tình trạng cây xanh, đóng dấu của Ủy ban Nhân dân phường sở tại làm cơ sở cấp phép.

Hiện nay, việc đánh giá cây sâu mục được thực hiện theo phương pháp trực quan thực tế ngoài hiện trường. Việc chặt hạ cây sâu mục được thực hiện theo quy định, trong trường hợp có nguy cơ gãy đổ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh chụp ảnh, thông báo cho chính quyền sở tại lập biên bản để thực hiện ngay.

Tâm điểm của dư luận đang nóng về 6.700 cây, trong đó, những cây chặt hạ được đưa đi đâu, tập kết ở đâu; cây trồng mới mua ở đâu, giá bao nhiêu tiền một cây? Sở Xây dựng giải thích, các cây xanh còn đủ điều kiện sinh trưởng sẽ được chuyển về vườn ươm để chăm sóc, chỉnh trang và sau đó được trồng ở các công viên, vườn hoa.

Số lượng gỗ, củi đã chặt hạ được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị, Sở Xây dựng phối hợp lập hồ sơ quản lý. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá theo quy định.

Các cây thay thế do các đơn vị ủng hộ, hỗ trợ được thực hiện thông qua việc thuê các đơn vị chuyên ngành thực hiện, giá cây xanh do các đơn vị hỗ trợ tự quyết định mua hoặc ủng hộ cây.

Các cây này đều được Sở Xây dựng nghiệm thu sau khi trồng, các đơn vị đều thống nhất với Sở Xây dựng đảm bảo cây sống mới hết trách nhiệm. Việc thanh quyết toán thực hiện theo các quy định hiện hành.

Nhiều chuyên gia cho rằng cây được chọn thay thế tại đường Nguyễn Chí Thanh có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, trồng cây này ở đô thị là chưa hợp lý. Sở Xây dựng lý giải tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong Sách Đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.

Cây vàng tâm cao trung bình 25-30m, đường kính thân cây 70-80cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5-17cm, rộng 1,5-6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1-2cm, bao hoa màu trắng.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước thì hiện nay, tỷ lệ diện tích đất cây xanh khu vực nội đô khoảng 3,02m 2 /người. Việc thay thế cây xanh trên các tuyến phố được thực hiện theo lộ trình và kế hoạch, cây mới được trồng vào đúng vị trí cây được thay thế và trồng bổ sung tại các khu vực, vị trí phù hợp, không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu mật độ cây xanh hiện có mà còn tăng lên theo quy hoạch (Chỉ tiêu cây xanh, công viên đô thị cho khu vực đô thị lõi đạt khoảng 4m2/người).

Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 thì thành phố và mọi người dân phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đô thị từ các thời kỳ để lại.

Các cây trồng từ thời Pháp thuộc trên các tuyến phố cổ, phố cũ của Hà Nội được hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử và mang đậm nét văn hóa của dân tộc.

Nhiều tuyến phố đã có hệ thống cây xanh đặc trưng như cây sấu phố Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, Trần Phú; cây xà cừ phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Chu Văn An; cây sao đen ở phố Lò Đúc; cây long não phố Đặng Dung… Những cây cổ thụ này đã, đang và sẽ tiếp tục được bảo tồn, chăm sóc giữ dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố.

Thành phố chỉ chặt hạ những cây sâu mục đổ gãy ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng tài sản của người dân; những cây phải giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đô thị.

Đối với những cây mới trồng thì chỉ thay thế những cây chết, còi cọc, chậm sinh trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục