Sóc Trăng: Số ca mắc sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tăng

Tính đến ngày 5/6, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 ca mắc sốt xuất huyết dengue, tăng 85% so cùng kỳ năm 2021, trong đó có 23 trường hợp sốt xuất huyết dengue nặng và 1 trường hợp tử vong.
Sóc Trăng: Số ca mắc sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tăng ảnh 1Nốt hồng ban ở chân của một trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng (CDC Sóc Trăng), từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và bệnh tay-chân-miệng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng nhanh, nhất là trong giai đoạn đang chuyển mùa, vào đầu mùa mưa như hiện nay.

Tính đến ngày 5/6, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 ca mắc sốt xuất huyết dengue, tăng 85% so cùng kỳ năm 2021, trong đó có 23 trường hợp sốt xuất huyết dengue nặng và 1 trường hợp tử vong; ghi nhận ở 128 ổ dịch, tăng 130% so cùng kỳ năm trước.

Các địa phương có số ca mắc cao là thị xã Vĩnh Châu và các huyện: Trần Đề, Thạnh Trị, Long Phú.

Ngoài bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh, các địa phương cũng ghi nhận trên 670 ca tay-chân-miệng, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2021, có 63 ổ dịch, giảm 36% so cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có số ca mắc cao gồm thành phố Sóc Trăng, thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, huyện Châu Thành...

Nhận định của ngành chuyên môn cho thấy thời gian tới, dịch sốt xuất huyết dengue, dịch tay-chân-miệng sẽ có thể tiếp tục bùng phát mạnh nếu như không quyết liệt hơn nữa trong các hoạt động can thiệp, phòng, chống, đẩy mạnh tuyên truyền cách phòng chống tới người dân ở các địa phương.

[TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết nặng tăng 7 lần so với năm trước]

Nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế dịch bệnh trong mùa mưa đã đến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, các ngành chuyên môn, địa phương và người dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, diệt sạch lăng quăng (bọ gậy), kiểm soát tốt lăng quăng nơi ở, nơi làm việc thì sẽ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, phòng chống tốt dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đối với các khu vực người dân có thói quen trữ nước mưa phải có tấm bạt bịt kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng được; súc rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên, thả cá diệt lăng quăng trong các bể nước.

Đồng thời, các đơn vị, người dân thực hiện tốt việc thu gom xử lý, tiêu hủy các vật dụng phế thải, chai lọ, lật úp vỏ trái dừa để không chứa nước, muỗi không vào đẻ trứng được...; sắp xếp quần áo gọn gàng, ngăn nắp, cho vào tủ hoặc sử dụng tấm bạt phủ kín sào quần áo treo trong nhà.

Nhà cửa phải thông thoáng, thường xuyên mở cửa để gió lùa vào; sử dụng nhang đuổi muỗi, các vợt bắt muỗi hoặc các chai hóa chất được bán trên thị trường có kiểm định; trẻ em mặc quần áo dài khi chơi đùa vào sáng sớm hoặc chiều tối, ngủ mùng (màn); không có muỗi, không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết.

Đặc biệt cần thường xuyên rửa tay trước khi cho trẻ ăn, ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống chín, khử khuẩn, lau chùi bề mặt thường xuyên... để phòng, chống bệnh tay-chân-miệng và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để có thể trạng khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật tốt hơn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục