Sôi động các lễ hội văn hóa-du lịch tại Sầm Sơn

Từ 23/6 đến 25/6, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) sẽ sôi động với hai sự kiện là Lễ hội Bánh chưng bánh dầy và Lễ hội Cầu ngư, bơi chải.
Trong khuôn khổ Lễ hội du lịch Sầm Sơn năm 2010, từ ngày 23/6 đến 25/6, tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa diễn ra Lễ hội Bánh chưng bánh dầy và Lễ hội Cầu ngư, bơi chải. Hai sự kiện văn hóa-du lịch tiêu biểu này sẽ được tổ chức ở sân đền Độc Cước và cảng Hới (xã Quảng Tiến).

Đến với Lễ hội Bánh chưng bánh dầy, nhân dân các làng thuộc tám phường, xã trên địa bàn thị xã Sầm Sơn chuẩn bị nhiều lễ vật, tổ chức hội thi làm bánh chưng, bánh dầy rồi tiến hành rước kiệu diễu quanh các đường phố chính.

Cuối cùng đám rước sẽ tề tựu tại khu vực sân đền Độc Cước để tổ chức nghi lễ truyền thống tôn vinh tiền nhân, tiên tổ có công với đất nước.

Tương truyền, Lễ hội Bánh chưng bánh dầy ở Sầm Sơn gắn với huyền thoại thần Độc Cước, vị thần đã tự xẻ đôi thân mình, một nửa ra khơi dẹp loài thủy quái (là loài quỷ đỏ rất thích ăn thịt người, nhất là dân chài), một nửa đứng trên đầu núi Trường Lệ ngày đêm canh giữ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân chài Sầm Sơn.

Thần Độc Cước được các triều đại ban sắc phong "Thượng đẳng Phúc Thần," được nhân dân bốn mùa cúng tế và lễ vật dâng lên thần chính là những chiếc bánh chưng, bánh dầy.

Để cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, "ra khơi, vào lộng," cứ đến những ngày giữa tháng Năm âm lịch hàng năm, nhân dân thị xã Sầm Sơn lại tổ chức Lễ hội Cầu ngư, bơi chải.

Tồn tại qua nhiều thế kỷ nhưng những nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Cầu ngư vẫn được bảo tồn và duy trì. Đến với lễ hội này, du khách thập phương được hòa mình vào không khí và tinh thần thể thao sôi động, đoàn kết, thượng võ của ngư dân qua môn thi bơi chải.

Những chiếc thuyền chải lướt nhanh trên biển, những tay chèo khoẻ mạnh cố hết sức để đưa những con thuyền được trang trí hình rồng nhanh về đích trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả...

Theo lịch sử của làng, cách đây hơn 700 năm (thế kỷ 13), tại Cửa Hới, dưới sự lãnh đạo của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Kim Cương Tướng quân chỉ huy nhân dân địa phương tổ chức nhiều trận huyết chiến với quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai.

Quân giặc bị tổn thất nặng nề, triều đình và vua tôi nhà Trần trong thời gian rút quân vào Thanh Hóa được bảo vệ an toàn. Từ đó, Kim Cương Tướng quân được nhân dân thờ phụng.

Kể từ đó, Lễ hội Cầu ngư, bơi chải cũng được tổ chức hàng năm với mục đích tri ân công đức của ông cha đã góp sức bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, mở mang cơ nghiệp làng, xã.

Lễ hội còn nhằm khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, khích lệ nhân dân bảo vệ nguồn tài nguyên biển, giữ gìn nét đẹo văn hóa truyền thống, xây dựng Sầm Sơn trở thành khu đô thị du lịch văn minh, giàu đẹp.

Hai lễ hội sôi động này chính là điểm nhấn trong rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã và sẽ diễn ra trong mùa hè năm nay tại Sầm Sơn.

Đến thời điểm này, thị xã Sầm Sơn đã đón hơn 700.000 lượt khách, ước tính trong mùa du lịch 2010, Sầm Sơn sẽ đón khoảng 1,75 triệu lượt khách du lịch./.

Hoa Mai (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục