Sôi động lễ hội ở Basel

Sôi động lễ hội truyền thống ở Basel của Thụy Sĩ

Bắt đầu và kết thúc vào lúc sáng sớm, lễ hội truyền thống kéo dài 4 ngày ở thành phố Basel, Thụy Sĩ thu hút hàng vạn người tham gia.
Basel là thành phố lớn thứ ba của Thụy Sĩ, nằm bên dòng sông Rhine, có chung biên giới với Pháp và Đức. Đây được coi là cái nôi văn hóa của Thụy Sĩ, nơi chỉ có 200.000 dân nhưng có tới 27 viện bảo tàng cùng các nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và các trường nghệ thuật.

Basel cũng được biết đến như một thị trường quốc tế về nghệ thuật và đồ cổ, nơi phát triển báo in và buôn bán sách. Những ngày lễ hội ở Basel được gọi là "Fasnacht" hoặc "Cardival".

Ông Felix Rudolf, đại diện của Ủy ban lễ hội cho biết lễ hội Fasnacht Basel bắt đầu từ 4 giờ sáng ngày thứ Hai (21/2), kéo dài 4 ngày.

Lễ hội này được bắt đầu và kết thúc vào lúc sáng sớm và đối với người dân Basel, kể cả người lớn và trẻ em, 4 ngày lễ hội là những ngày tuyệt vời nhất của năm. Trong suốt những ngày đó, trên các đường phố, đâu đâu cũng thấy các bộ trang phục đầy màu sắc, những chiếc mặt nạ với các hình thù đa dạng, phong phú, ngộ nghĩnh và hòa cùng với chúng là những tiếng trống, tiếng sáo, tiếng kèn đồng vang lên không dứt.

Fasnacht Basel được bắt đầu bằng "Morgenstreich", diễn ra từ 4 giờ sáng ngày 22/2.

Ông Federico Sommaruga thuộc Công ty Du lịch Basel dẫn chúng tôi đến trung tâm cuộc diễu hành lúc 3 rưỡi sáng. Mặc dù lúc đó trời mưa nhẹ, vẫn có hàng vạn người đứng dọc hai bên hè phố trên các tuyến đường đoàn diễu hành đi qua.

Phải chật vật lắm, chúng tôi mới đến được trung tâm. Đúng 4 giờ sáng, khi chiếc đồng hồ ở nhà thờ St. Martins lâu đời nhất Thụy Sĩ điểm xong 4 tiếng, tất cả đèn trong thành phố vụt tắt và đây cũng là thời điểm cuộc diễu hành bắt đầu.

Theo lệnh của các tay trống chủ chốt, hàng nghìn người đánh trống và thổi sáo theo các giai điệu truyền thống của "Morgenstreich". Từng nhóm, từng nhóm bắt đầu diễu hành. Những người đi đầu mỗi nhóm mang một tấm panô vẽ những hình ảnh hài hước phản ánh các chủ đề khác nhau trong đời sống người dân Thụy Sĩ và quốc tế trong năm 2009 cũng như những sự kiện được dự đoán sẽ xảy ra trong năm 2010.

Tiếp đến là khoảng 20 tay trống và 30 hoặc 40 tay sáo mặc các bộ trang phục đầy màu sắc và đeo những chiếc mặt nạ với các hình thù khác nhau. Ánh sáng duy nhất của đêm lễ hội được phát ra từ những tấm panô và những chiếc đèn trên đầu của những người tham gia diễu hành.

Quy định đặt ra cho những người xem và du khách là không được dùng đèn khi chụp ảnh, nên nhiều người muốn ghi lại những hình ảnh sinh động này đều "bó tay", ngoại trừ những người có các máy ảnh chuyên nghiệp.

Tiếng trống và tiếng sáo tiếp tục vang lên ở chỗ này hoặc chỗ kia cho đến buổi diễu hành chính vào lúc 1 rưỡi chiều.

Hơn 10.000 thành viên đeo mặt nạ ngồi trên những chiếc xe mang các tấm áp phích lớn vẽ những hình ảnh về các chủ đề khác nhau của lễ hội hoặc đi bộ theo đoàn diễu hành trên con đường quanh Grosbasel và Kleinbasel.

Không khí náo nhiệt và sôi động hơn khi những người tham gia diễu hành ném những dải giấy dài màu sắc khác nhau hoặc trao cho những người đứng xem những tờ giấy vẽ các hình dí dỏm, hài hước và viết chữ thổ ngữ của Basel.

Từ những chiếc xe tham gia diễu hành, đôi lúc những quả cam và các vật dụng khác cũng được ném ra cho những người đứng xem.

Ngày thứ hai của Fasnacht Basel là ngày dành cho các em nhỏ. Ở trung tâm thành phố, các nhóm trẻ em khác nhau, có bố mẹ đi cùng diễu hành trên các phố. Các em cũng mặc những bộ đồ hóa trang, đeo mặt nạ, đánh trống, thổi sáo và chơi các nhạc cụ khác.

Buổi tối của ngày lễ hội thứ hai được dành cho các nhạc công Gugge. Đúng 8 giờ tối, chương trình ca nhạc "Gugge" được tổ chức ở trung tâm thành phố. Chương trình này thu hút hàng vạn người, đặc biệt là thanh niên, tham dự.

Cũng trong ngày thứ hai của lễ hội, các ca sỹ của Schnitzeibank đi một vòng đến khoảng 30 cửa hàng ăn và tiệm rượu chơi những bài hát và bản nhạc trào phúng, vui nhộn để phục vụ khách hàng.

Tiếp đó, ngày thứ ba và thứ tư của lễ hội là các cuộc diễu hành và các hoạt động liên quan đến lễ hội.

Ông Felix Rudolf cho biết lễ hội chỉ diễn ra trong 4 ngày, nhưng người dân Basel phải chuẩn bị cho nó trong suốt cả năm. Tiền hỗ trợ cho các nhóm tham gia lễ hội được lấy từ các nguồn thu nhập qua việc bán các huy hiệu tượng trưng cho lễ hội, tiền thu được từ các buổi hòa nhạc lớn bằng trống và kèn, tiền bán những chỉ dẫn về lễ hội và tiền do những người hảo tâm đóng góp.

Các khoản thu nhập đó được Ủy ban phân phát cho các nhóm tham gia các cuộc diễu hành chính. Tuy nhiên, các nhóm này vẫn phải bỏ tiền chi phí cho các khoản trang phục, mặt nạ, đèn lồng, thuê và trang trí xe diễu hành cùng các khoản khác.

Theo ông Felix Rudolf, chi phí cho lễ hội Basel năm nay mất khoảng 30 triệu Franc Thụy Sĩ./.

Minh Tuấn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục