Âm vang Sơn La

Sôi động trên công trường thủy điện Sơn La

Những ngày đầu năm, nhiệt độ có lúc xuống 6-7 độ C nhưng người xe vẫn nhộn nhịp, tiếng máy âm vang ở công trường thủy điện Sơn La.
Những ngày đầu năm 2010, thời tiết ở phố núi Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La lạnh buốt, nhiệt độ có lúc xuống 6-7 độ C nhưng tại công trường thủy điện Sơn La vẫn âm vang tiếng máy qua lớp sương mù từ phía khúc sông dội về hai bên vách núi vào buổi sớm.

Một ngày mới bắt đầu nhộn nhịp người xe suốt cả 3 ca, 4 kíp để dồn sức đáp ứng tiến độ nút cống tích nước vào tháng 5, tổ máy số 1 phát điện vào cuối năm nay.

“Bản giao hưởng”

Trên công trường thủy điện Sơn La, gần 9.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuộc các đơn vị của 4 Tổng công ty Sông Đà, Trường Sơn, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm việc khẩn trương nhằm đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục những ngày giáp Tết.

Thời điểm đặc biệt trong công tác thi công, đó là vào dịp lễ Noel 2009, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Đà 908 thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 9, được tiếp sức của Sông Đà 5 chuyển tải bêtông, đã đổ trên 3.000m3 bêtông đầm lăn (RCC) vào đoạn lòng kênh đập dâng (khối R2).

Đây là những mẻ bêtông RCC đầu tiên của khối R2 kể từ ngày “nghỉ lũ” vào tháng 5/2009 để “hàn nối” giữa đoạn đập bờ trái và đoạn đập bờ phải tràn dốc nước công trình đập dâng.

Những người thợ lắp máy của Lilama cũng đã lắp đặt và hàn khẩu khoanh cuối cùng đường ống áp lực tổ máy số 6 đúng dịp đầu năm mới.

Ông Nguyễn Thế Trinh, Giám đốc Chi nhánh công ty cổ phần Lilama 10 - đơn vị chính đảm nhận lắp đặt thiết bị dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, cho biết để tổ máy 1 phát điện vào cuối tháng 12 năm nay như kế hoạch yêu cầu, Lilama phải hoàn thành lắp đặt 54.000 tấn thiết bị của nhà máy. Nhiệm vụ quan trọng của Lilama trong thời gian tới là chuẩn bị lắp đặt thiết bị cơ điện.

Hiện, Lilama đang triển khai nhận buồng phòng, chuẩn bị phương tiện dụng cụ, lập biện pháp tổ chức thi công. Trước đó, đơn vị phát động phong trào thi đua sáng kiến, tổ chức thi công tổ hợp 6 buồng xoắn tại bãi lắp đặt của đơn vị, rút ngắn thời gian 3 tháng/tổ máy so với việc tổ hợp tại vị trí lắp đặt.

Có thể tự hào công trường thủy điện Sơn La là nơi tập hợp những công nghệ tiên tiến nhất đưa từ nước ngoài cũng như trong nước lên đây để xây dựng công trình.

Các chủng loại phương tiện vận chuyển cỡ lớn, siêu trường siêu trọng, máy đào xúc, khoan nổ, xe máy đặc chủng, công nghệ máy móc được điều động hoạt động ngày đêm. Ngay cả công nghệ bêtông đầm lăn được áp dụng xây đập thủy điện cũng thuộc công nghệ tiên tiến của thế giới.

Từ cán bộ quản lý đến những kỹ sư, người lao động, nhất là lao động trẻ, họ tự hào là đã bắt đầu sự nghiệp tại công trường thủy điện Sơn La. Đây là nơi giao điểm của công nghệ mới về ngành thủy điện.

Bên cạnh đó còn có đội ngũ kỹ sư, công nhân, nhân viên kỹ thuật đã trải qua xây dựng ở nhiều công trình thủy điện của đất nước như Thủy điện Hòa Bình, Na Hang, Tuyên Quang, Yali, Cần Đơn, Bản Vẽ, Sê San.

Bởi vậy, đây còn là trường đào tạo tốt nhất cho lớp thợ trẻ. Nó có sự mạo hiểm và cũng có thể đạt được nhiều thứ như người thợ hàn bậc 3 Đỗ Ngọc Tâm, 25 tuổi, tâm sự “Cánh thợ trẻ chúng tôi thích thú với mọi việc ở đây, tay nghề được thử thách, tôi luyện. Một ngày không nghe được tiếng máy, không thấy ánh chớp hàn thì thấy bâng khuâng nỗi nhớ”.

Đứng trên cầu tạm phía hạ lưu sông Đà trông lên, toàn cảnh công trường thủy điện hiện lên các cung bậc của hạng mục công trình nhấp nhô như những dòng kẻ nhạc.

Người thợ uốn mình, thắt dây đai an toàn đang thi công trên các tầng cao, hàn khẩu đường ống áp lực, cheo leo trên các cần cẩu, làm tô điểm thêm cho bản hùng ca những nốt nhạc, tạo ra hình ảnh thật tuyệt vời như những vũ công biểu diễn.

Tầm vóc công trình

Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La được thực hiện theo Nghị quyết Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 9 (ngày 29/6/2001) về Quyết định chủ trương đầu tư với 3 mục tiêu chính là cung cấp điện năng để phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc bộ; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Bắc.

Có 5 yêu cầu khi triển khai dự án là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, hạ du và thủ đô Hà Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp; đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường-sinh thái, đa dạng sinh học; có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc.

Với quyết sách của Quốc hội, Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng theo phương án và quy mô mực nước dâng bình thường là 215m, công suất lắp máy 2.400MW gồm 6 tổ máy, đáp ứng điện lượng trung bình năm vào khoảng 10,246 tỷ kWh, trong đó tăng cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình là 1,267 tỷ kWh.

Công trình có đập bêtông trọng lực một phần công nghệ thi công đầm lăn, với cao trình đỉnh đập gần 230m, chiều cao đập lớn nhất hơn 140m, chiều dài con đập gần 965m.

Bởi vậy, dung tích toàn bộ hồ chứa khoảng 9,26 tỷ m3 nước, mặt hồ rộng gần 225km, với chiều dài lòng hồ hàng trăm km từ Huyện Mường La, tỉnh Sơn La đến thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Để làm được công trình này 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải chuyển dân ra khỏi vùng quy hoạch hồ khoảng 19.000 hộ dân, khoảng gần 10 vạn người là cuộc đại di dân lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Phần thiết kế kỹ thuật toàn bộ công trình và thiết kế bản vẽ thi công do Công ty Tư vấn xây dựng điện I liên danh với Viện Thiết kế thủy công Maxcơva thực hiện, tư vấn trong nước làm tư vấn chính. Công tác giám sát thi công, quản lý chất lượng công trình được đặt lên hàng đầu.

Chủ đầu tư hợp đồng với liên danh SME-Nippon Koei-J Power, thuê chuyên gia nước ngoài giám sát toàn bộ khâu đổ bêtông đầm lăn đập chính, giám sát tuyến năng lượng (cửa lấy nước, nhà máy thủy điện), trợ giúp Ban quản lý dự án giám sát thi công tràn xả lũ và phần thi công đập vai phải công trình.

Ông Lê Đình Thảo, Phó Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, khẳng định thủy điện Sơn La là công trình lớn nhất Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về công suất thiết kế mà còn ở việc lần đầu tiên đội ngũ cán bộ, công nhân làm chủ công nghệ mới.

Công trình kết hợp khởi công, vừa ngăn sông cùng lúc vào ngày 2/12/2005, nay đã ba lần ngăn sông giúp cho tiến độ thi công nhanh hơn. Trong tổng số 5,3 triệu m3 bêtông cho công trình, các đơn vị đã đổ được khoảng 3,7-3,8 triệu m3, trong đó gần 2 triệu m3 bêtông RCC.

Ông Thảo giải thích thêm để cho việc nút cống dẫn dòng, tích nước và phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm nay, các đơn vị đang dồn sức thi công các hạng mục, trong đó lắp thiết bị hàng tháng từ 1.500-2000 tấn và ngày càng nhiều lên. Thiết bị của nhà máy đã lắp đặt được trên 30.000 tấn/78.000 tấn.

Về bê tông ACC-bêtông thường, các đơn vị đã thực hiện trên 2 triệu m3/2,7 triệu m3 (chỉ còn khoảng 700.000m3 nữa). Lý do đổ bêtông đến tháng 8 mới xong, không phải tiến độ chậm mà do yêu cầu kỹ thuật phải dừng lại chờ thời điểm nút cống, hiện công trường có thể đổ 18.000m3/tháng.

Tổ máy số 1 muốn chạy được, còn nhiều việc phải làm, trong đó phải nút được cống; thứ hai phải thi công các hạng mục đạt độ cao trên sơ đồ tối thiểu. Trước mắt về mặt xây dựng nhà máy, đến ngày 1/1/2010 đã xong thủ tục bàn giao cấp máy phát, lắp máy phát, tuabin, bàn giao máy phát tại công trường để lắp máy.

Các cỗ máy khổng lồ của tổ máy số 1 gồm trục máy phát nặng 110 tấn, máy biến áp nặng 280 tấn-cỗ máy nặng nhất của công trường, 1 kiện hàng liên quan đến máy phát điện gần 200 tấn đã được vận chuyển bằng đường thủy từ cảng Hải Phòng, rồi “vượt cạn” đập thủy điện Hòa Bình, hành trình theo đường hồ sông Đà đến tập kết tại công trường thủy điện Sơn La.

Năm 2010 là thời điểm quyết định của Nhà máy thủy điện Sơn La nên việc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn thi công, lắp đặt thiết bị, giám sát kỹ thuật được Ban quản lý, Ban Điều hành Nhà máy thủy điện Sơn La đặt lên hàng đầu, tính cụ thể, chi tiết từng khâu, từng thời điểm. Theo đó, về công tác xây dựng phải hoàn thành và bàn giao lắp 1 chiếc cẩu nặng 125 tấn trên đập tràn.

Cẩu này liên quan đến lắp đặt các linh kiện tổ máy phát. Đến tháng 2, các đơn vị phải xong toàn bộ 12 cửa xả sâu, hoàn thành toàn bộ xây dựng phần dốc nước và lưỡi phóng tràn xả lũ, hoàn thiện toàn bộ các hạng mục bên hạ lưu và các hạng mục 2 bên bờ sông để tháng 5 đóng cống, tích nước hồ. Hoàn thành đổ bêtông nút cống vào cuối tháng 6, hoàn thiện thân đập, cửa thoát nước, cửa chắn rác.

Cuối tháng 6 đổ bêtông RCC thân đập còn lại để đến tháng 8 hoàn thành. Đến thời điểm đó, khi hồ tích nước trong vòng 10 ngày có thể đủ lượng nước cho khởi động tổ máy số 1 và phát điện thương mại./.

Điêu Chính Tới (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục