Soi vào quá khứ để hướng về tương lai

Theo giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lich sử Việt Nam, Việt Nam học hiểu theo nghĩa bao gồm cả nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, bản thân nó đã bao hàm yêu cầu giao lưu và hội nhập.

Theo giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lich sử Việt Nam, Việt Nam học hiểu theo nghĩa bao gồm cả nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, bản thân nó đã bao hàm yêu cầu giao lưu và hội nhập.

Cùng nhắm một đối tượng nghiên cứu: Việt Nam, các nhà nghiên cứu Việt Nam, các nước trên thế giới đếu mong muốn trao đổi kết quả nghiên cứu, nhất là trau dồi các nguồn tư liệu liên quan, phương pháp tiếp cận.

Giáo sư Lê cho rằng, nghiên cứu Việt Nam trong nước và thế giới vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong phương pháp tiếp cận, trong giao lưu, đối thoại, trong cập nhật thông tin về dữ liệu, về kết quả nghiên cứu.

“Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cập nhật trình độ phương pháp lập luận quốc tế”, giáo sư Lê tham vấn.

Từ tập hợp của các chuyên ngành nghiên cứu Việt Nam sang Việt Nam học liên ngành là bước chuyển căn bản của Việt Nam học Việt Nam hiện đại.Việt Nam học quốc tế cung cấp thêm những góc nhìn so sánh, soi tỏ thêm sự phát triển của Việt Nam trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Việt Nam học của Việt Nam cung cấp các nguồn tư liệu phong phú, đa dạng và những kết quả nghiên cứu của chủ thể để cùng các đồng nghiệp quốc tế nâng cao nhận thức về Việt Nam.

Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Trong bối cảnh mới đó, nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển của Việt Nam học. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối thập niên 90 thế kỷ trước, tại Nga đã có hơn 4.000 công trình nghiên cứu về Việt Nam. Các công trình này thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học, trong đó nhiều tác phẩm có những đóng góp khoa học quan trọng, góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu Việt Nam của chính các nhà khoa học Việt Nam.

Khác với khuynh hướng chú trọng các vấn đề có thể phục vụ trực tiếp cho yêu cầu kinh doanh, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam học ở Nhật Bản chú trọng tới nghiên cứu cơ bản nhằm hiểu đến ngọn nguồn cấu trúc xã hội, lịch sử và văn hóa Việt Nam truyền thống.

Nói về sự hình thành tính cách dân tộc, nhà khoa học Nhật Bản Masahira Anesaki khẳng định: “Dân tộc Việt Nam không bao giờ đi xâm chiếm các quốc gia khác. Họ yêu hoà bình, ghét chiến tranh. Việt Nam là một trong những dân tộc thấu hiểu nhất giá trị hòa bình”.

Sự phát triển và sự liên kết, giao lưu giữa Việt Nam học trong nước và thế giới là nhu cầu khách quan của thời kỳ hội nhập, xét về lợi ích của Việt Nam cũng như các nước, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đang mở rộng quan hệ hợp tác với Viêt Nam.

Phó giáo sư Danny Wong Tze ken, đại học Malaya – Malaysia cho hay, ở Malaysia sự phát triển của Việt Nam học mở đầu từ nghiên cứu chiến tranh những năm 1970 kéo dài đến những nghiên cứu văn hoá sau này.

“Việc giới thiệu các chính sách cải cách và hội nhập của Việt Nam, việc các nước Đông Dương tham gia tổ chức Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã làm mới lại sự quan tâm đối với Việt Nam”, Phó giáo sư Danny Wong Tze ken nhận định.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Việt Nam học giữ vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiểu biết về Việt Nam một cách khách quan, trung thực, kể cả mặt tích cực và mặt hạn chế. Phó giáo sư, tiến sĩ Peter Zinoman, đại học California – Hoa Kỳ nhận xét, Tạp chí nghiên cứu Việt Nam ra đời tại đại học California đã có những cố gắng nhất định trong việc giới thiệu các nghiên cứu về Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Không chỉ cung cấp một cái nhìn sâu sắc về nhiều khía cạnh lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam, “với cấu trúc khá toàn diện, tạp chí nghiên cứu Việt Nam đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về nghiên cứu nhà nước Việt Nam hiện nay”, ông Peter nói./.
 
 
  Hải Vân/Vietnam+
 

Tin cùng chuyên mục