Sớm có quy định về quản lý, sử dụng tiền công đức tại lễ hội, di tích

Tháng 6/2018, liên ngành thành phố sẽ hoàn thành Dự thảo quy định sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích, để nguồn tiền công đức được quản lý và sử dụng một cách tốt nhất.
Sớm có quy định về quản lý, sử dụng tiền công đức tại lễ hội, di tích ảnh 1Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy khi đi lễ. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích và lễ hội một lần nữa lại được “xới” lên trong phiên giải trình về thực hiện bộ Quy tắc ứng xử và công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại Hà Nội do Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức mới đây.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định tháng 6/2018, liên ngành thành phố sẽ hoàn thành Dự thảo quy định sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích, trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành, để nguồn tiền công đức được quản lý và sử dụng một cách tốt nhất.

Chưa có sự thống nhất

Ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, việc quản lý và sử dụng tiền công đức tại các di tích và lễ hội đang là vấn đề khó. Đối với các di tích có ban quản lý, việc quản lý tiền công đức thường do ban quản lý chịu trách nhiệm với sự giám sát của chính quyền, việc thu chi thông qua Kho bạc Nhà nước và công khai trước nhân dân theo quy định.

Đối với các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo chủ yếu là các chùa có sư trụ trì, việc quản lý thu chi do sư trụ trì thực hiện. Các cơ sở tôn giáo khác đều thông qua ban trị sự. Do đặc thù mỗi nơi mỗi khác nên việc thu chi, sử dụng tiền công đức tại các di tích, lễ hội cũng chưa có sự thống nhất. Thực tế cho thấy tại nhiều di tích, lễ hội, nguồn tiền công đức được sử dụng đúng mục đích và công khai.

[Chấn chỉnh biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử tại nơi thờ tự]

Đền Quán Thánh (quận Ba Đình) là một trong Tứ trấn Thăng Long vốn là di tích nổi tiếng tại Hà Nội, thu hút đông đảo người dân và khách thập phương tới tham quan, chiêm bái, nhất là dịp đầu năm.

Ông Bùi Hồng Sơn, Phó Ban Quản lý di tích kiêm thủ từ đền Quán Thánh, cho biết việc quản lý tiền công đức tại di tích này công khai, minh bạch, có sự phối hợp giữa Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình, Ủy ban Nhân dân phường Quán Thánh và thủ từ đền. Sổ ghi công đức có dấu giáp lai, đánh số trang, khi ghi công đức phải rõ số tiền và do cán bộ quận Ba Đình quản lý.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đền còn đặt các hòm công đức tại các ban thờ, mỗi hòm có tới bốn niêm phong để khách bỏ công đức hoặc tiền giọt dầu. Cứ ba tháng, hòm công đức mở một lần, với sự giám sát của các bên liên quan và việc chi tiêu cũng được công khai.

Tại chùa Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), sư trụ trì chùa cho biết nguồn tiền công đức của nhân dân và khách thập phương được sử dụng để tôn tạo chùa và chi phí thường xuyên. Trong trường hợp nhà chùa tu bổ xong hạng mục nào đó, khách tiếp tục công đức để tu bổ nhà chùa sẽ không nhận. Việc sử dụng tiền công đức tại chùa Đức Viên được sử dụng đúng mục đích, rõ ràng, đúng với tâm nguyện của người công đức.

Song không phải tất cả các di tích, lễ hội đều công khai, sử dụng tốt nguồn công đức. Thậm chí, nhiều ban quản lý lễ hội cũng không nắm được nguồn công đức tại lễ hội, vì số tiền này do sư trụ trì trong các chùa đảm nhiệm.

Sẽ có quy định cụ thể

Thừa nhận việc quản lý, sử dụng minh bạch tiền công đức ở hầu hết các chùa trên địa bàn Hà Nội chưa thực hiện tốt, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định Sở là cơ quan chịu trách nhiệm chính, bên cạnh đó có sự liên quan của Sở Tài chính Hà Nội, chính quyền các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cũng như ban quản lý di tích và ban quản lý lễ hội.

Sớm có quy định về quản lý, sử dụng tiền công đức tại lễ hội, di tích ảnh 2Đồ lễ bày lộn xộn, tiền lẻ đặt tràn lan tại Phủ Tây Hồ. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Với tình hình hiện nay, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng cần tuyên truyền, vận động sư trụ trì cũng như tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng tiền công đức tại các lễ hội, các di tích theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội theo hướng công khai, minh bạch. Một mặt, các cơ quan liên quan giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát cụ thể cho Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, để nâng cao hiệu quả sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích trên địa bàn thành phố.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn số 9559 ngày 11/10/2017 giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quy định về việc sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích, thời gian hoàn thành vào tháng 6/2018.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định liên ngành thành phố cam kết đến thời hạn trên sẽ hoàn thành xây dựng quy định sử dụng tiền công đức, trình thành phố để ban hành nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và sử dụng tiền công đức tại các lễ hội, di tích trên địa bàn Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục