Sớm xây dựng và ban hành Luật Thủ đô

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp kiến nghị sớm xây dựng và ban hành Luật Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký tờ trình  gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp kiến nghị sớm xây dựng và ban hành Luật Thủ đô.

Với vị thế, vai trò quan trọng của Thủ đô trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã có những thay đổi quan trọng và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong một tầm nhìn rộng lớn hơn cả về không gian và thời gian. Đặc biệt qua 8 năm thực hiện, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội (có hiệu lực từ ngày 3/2/2001) đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Thủ đô Hà Nội với tầm vóc và vị trí như ngày hôm nay.


Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cùng với những yêu cầu mới của Thủ đô, Pháp lệnh đã nảy sinh một số bất cập ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội rất cần được điều chỉnh phù hợp với giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là cần được phát triển thành Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô ra đời sẽ tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ, thuận lợi để Hà Nội cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ ở các ngành, các cơ sở kinh tế, từ đó tạo sự chuyển biến thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, Luật sẽ góp phần thu hút lao động, đầu tư trong nước, thúc đẩy giao lưu, liên kết, hỗ trợ, phát triển kinh tế của cả vùng Thủ đô.


Mặt khác, Luật cũng sẽ tạo hành lang pháp lý để Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn, khai thác và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các công trình có giá trị về kiến trúc, lịch sử, cách mạng; phát huy bản sắc, truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Luật Thủ đô được ban hành sẽ tạo thêm hành lang pháp lý để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội; tạo sự chủ động, phối hợp của các địa phương và bạn bè quốc tế, sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và sự tăng cường giám sát của các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Từ đó, khắc phục được tình trạng quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô còn nhiều bất cập, hạn chế hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục