Sơn La cần khơi thông mọi nguồn lực để phát triển

Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Sơn La, Chủ tịch nước đề nghị địa phương có giải pháp khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Sơn La, ngày 13/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những bước khởi sắc trong đời sống kinh tế xã hội vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh những cố gắng của tỉnh trong việc thực hiện tái định cư cho hàng vạn hộ đồng bào dân tộc, góp phần tích cực giúp Nhà máy Thủy điện Sơn La sớm hoàn thành là quá trình kiên trì bền bỉ, phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa Trung ương và địa phương.

Chủ tịch nước khẳng định, một trong những yêu cầu đặt ra cho công tác di dân tái định cư thủy điện là đồng bào di chuyển đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt đẹp hơn. Do vậy, cùng với đầu tư hạ tầng nông thôn, tỉnh cần đưa giống cây trồng vật nuôi, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để giúp người dân ổn định cuộc sống.

Cho rằng Sơn La là vùng căn cứ địa cách mạng, người dân có truyền thống yêu nước, tin yêu Đảng, tiềm năng về nông nghiệp còn nhiều, Chủ tịch nước nêu rõ các cấp ủy Đảng, chính quyền cần rà soát cơ chế chính sách, có giải pháp khơi thông nguồn lực, tăng thêm nguồn thu, giúp người dân ở Sơn La không chỉ thoát nghèo mà có đời sống khá giả. Chủ tịch nước lưu ý, khi thủy điện hoàn thành, Sơn La sẽ có thêm điều kiện về nuôi trồng thủy sản. Ngay lúc này, tỉnh cần sớm có kế hoạch đón đầu, đưa tiềm năng trở thành lợi thế.

Chủ tịch nước nhấn mạnh thời gian tới trên lộ trình phát triển, Sơn La cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, quan tâm đến các đối tượng chính sách, chăm lo cho người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, cùng với tổ chức quán triệt thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 4, gắn với củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm tháo gỡ những yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định, xử lý những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, giữ vững an ninh chính trị.

Báo cáo với Chủ tịch nước tại buổi làm việc, ông Thào Xuân Sùng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết Sơn La là tỉnh biên giới nằm trong khu vực Tây Bắc có 12 dân tộc thiểu số anh em chung sống: Thái, Mông... Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong đó có tới 5/10 huyện nghèo và 89 xã đặc biệt khó khăn. Những năm qua, Đảng bộ và các cấp chính quyền đã phát huy truyền thống đoàn kết, chỉ đạo quyết liệt, đưa kinh tế xã hội của tỉnh Sơn La từng bước phát triển. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,4%, tổng thu ngân sách đạt gần 6.300 tỷ đồng; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng bước đầu tạo nên mô hình kinh tế sản xuất hàng hóa: chè, bò sữa.

Thực hiện chủ trương phát triển diện tích cao su tại địa phương, tỉnh đã thành lập Công ty cổ phần cao su Sơn La, nhập khẩu giống cao su trồng được ở độ cao trên 700m so với mực nước biển, nghiên cứu mô hình trồng cỏ giữa hai hàng cây để kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Hoạt động văn hóa giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo chế độ chính sách cho người dân được chú trọng.

Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành 100% công tác di dân tái định cư xây dựng thủy điện Sơn La, đưa hơn 12.500 hộ dân đến 221 điểm tái định cư tập trung và 38 điểm tái định cư xen ghép, hỗ trợ vốn, giống cây trồng vật nuôi cho bà con ổn định cuộc sống ở nơi ở mới. Quan hệ đối ngoại giữa Sơn La với các tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được hợp tác chặt chẽ, góp phần quan trọng xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển toàn diện.

Cũng trong thời gian thăm và làm việc tại Sơn La, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã làm việc với Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La về công tác cải cách tư pháp.

Lãnh đạo hai ngành tòa án và kiểm sát đã báo cáo Chủ tịch nước về tình hình thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Sơn La đã luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt nghiêm túc đến cán bộ đơn vị. Nhờ vậy công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, công tố của ngành kiểm sát và công tác xét xử của ngành tòa án đã từng bước được nâng cao. Các vụ án hình sự, dân sự, hành chính luôn được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không có trường hợp nào bị xét xử oan sai.

Năm 2011 và 3 tháng đầu năm nay, ngành kiểm sát thụ lý điều tra gần 2.000 vụ với trên 3.000 bị can, Tòa án xét xử gần 1.500 vụ. Đặc biệt, trong các phiên xét xử, chất lượng tranh tụng được đặt lên hàng đầu. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng công an, kiểm sát, tòa án đã góp phần truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống tội phạm.

Các đại biểu hai ngành cũng thẳng thắn thừa nhận, nằm ở khu vực Tây Bắc với địa lý khó khăn, đội ngũ cán bộ còn thiếu và chưa được chuẩn hóa, nhất là ở cấp huyện. Do vậy, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hai ngành: tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát, tranh tụng… còn hạn chế.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của hai ngành tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân Sơn La thời gian qua, góp phần tích cực vào sự đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Chủ tịch nước lưu ý lãnh đạo hai ngành cần có đề xuất cụ thể các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các quy định trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; tạo sự đồng bộ trong đào tạo cán bộ ngành tư pháp. Đề cập vấn đề cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn của ngành tòa án và kiểm sát, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với hỗ trợ của trung ương, Sơn La cần phối hợp với địa phương để tập trung đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị cơ sở vật chất khang trang, thể hiện sự uy nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chủ tịch nước lưu ý là địa phương có vị trí địa lý khó khăn, tội phạm diễn biến phức tạp, Sơn La cần phải đặc biệt chú ý công tác phòng chống tội phạm. Cùng với sự nỗ lực chung, các ngành tư pháp phải thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đó chính là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ, bảo đảm sự ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Trường Đại học Tây Bắc, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Bắc, trong đó có hơn 56% là sinh viên thuộc các dân tộc thiểu số. Tiền thân là trường sư phạm cấp II Tây Bắc được thành lập từ năm 1960, sau nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, năm 2001, trường Đại học Tây Bắc chính thức được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 11 năm xây dựng, đến nay quy mô trường ngày càng được mở rộng với 12.000 sinh viên, trong đó có một bộ phận là sinh viên nước bạn Lào. Chất lượng đào tạo của trường ngày càng được nâng cao với 25 ngành đào tạo đại học. Trường cũng đã liên kết với các cơ sở đào tạo đại học lớn trong nước, mở thêm các ngành học có nhu cầu cao về nhân lực. Trong 11 năm, trường đã đào tạo được 19.518 sinh viên ra trường, góp phần cung cấp nguồn lực có trình độ cao cho các tỉnh trong vùng Tây Bắc và các tỉnh phụ cận. Mục tiêu của trường đến năm 2020 là xây dựng trường Đại học Tây Bắc thành trường đại học đa ngành, có đội ngũ giảng viên đạt trình độ chuẩn khu vực, có khả năng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Nói chuyện với cán bộ giảng viên và sinh viên của trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương thành tích dạy và học của Trường Đại học Tây Bắc.

Chủ tịch nhấn mạnh, hoạt động trên địa bàn còn nhiều khó khăn về đời sống kinh tế xã hội, để thực hiện hiệu quả chủ trương giáo dục là quốc sách, Trường Đại học Tây Bắc với vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục hàng đầu của khu vực cần không ngừng nâng cao chất lượng trong đào tạo nghiên cứu, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Quá trình giảng dạy của trường cần chú trọng kết hợp lý luận, thực tiễn, đổi mới trong phương pháp dạy và học, để giúp sinh viên có tư duy độc lập sáng tạo, kỹ năng kiến thức nghề nghiệp; trở thành công dân trung thực, có ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm.

Chủ tịch nước căn dặn nhà trường cùng với đảm bảo trang thiết bị cần thiết cho việc học tập nghiên cứu của sinh viên, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh cho nước bạn Lào, mở rộng quan hệ với các trường đại học có uy tín trong khu vực.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã đến dâng hương và dâng hoa tại nghĩa trang nhà tù Sơn La. Đây là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ cộng sản đã hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Năm 1908, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà tù Sơn La trên đỉnh đồi Khau Cả.

Năm 1930 thực dân Pháp đã mở rộng nhà tù, đưa hàng ngàn chiến sĩ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước lên giam giữ tại đây nhằm biến nơi đây thành địa ngục trần gian. Nhưng chính tại nhà tù Sơn La, những người tù cộng sản đã đấu tranh với kẻ thù để tồn tại, hoạt động, biến nhà tù Sơn La thành trường học đào tạo cán bộ cho Đảng, ươm những hạt giống đỏ đầu tiên cho phong trào cách mạng ở vùng núi Tây Bắc./.

Hoàng Giang-Điêu Chính Tới (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục