Sống cùng người chết - tập tục kỳ lạ của người Torajan ở Indonesia

Thi hài người chết vẫn được đặt trong nhà, được phục vụ ăn uống, tắm rửa, thay quần áo như đang sống để chuẩn bị cho một tang lễ cực kỳ xa hoa sẽ diễn ra vài tháng, thậm chí vài năm sau đó.
Sống cùng người chết - tập tục kỳ lạ của người Torajan ở Indonesia ảnh 1

Hầu hết chúng ta không thích nghĩ hay nói về cái chết, nhưng một số người thì ngược lại. Ở vùng Toraja tại Sulawesi, Indonesia, người chết vẫn có một vị trí quan trọng trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

Một bài viết của BBC đã mô tả khá cặn kẽ một phần tập tục kỳ lạ này của người Torajan: 

"Trong căn phòng khách ốp gỗ trơn, không có đồ nội thất và chỉ có vài bức ảnh treo trên tường ngập tràn những giọng nói và mùi cà phê. Đó là một buổi tụ họp gia đình thân mật.

"Bố cháu sao rồi?" một vị khách hỏi người chủ nhà và không khí đột nhiên thay đổi. Tất cả mọi người liếc về căn phòng nhỏ trong góc, nơi một ông già đang nằm trên một chiếc giường sặc sỡ.

"Ông ấy vẫn đang ốm," người con gái tên là Mamak Lisa bình thản trả lời.

Mỉm cười, Mamak Lisa đứng dậy và đi về phía ông già, nhẹ nhàng lay ông. "Bố ơi, chúng ta có vài vị khách muốn gặp bố này - con mong là bố sẽ không khó chịu hay bực mình," cô nói.

Sống cùng người chết - tập tục kỳ lạ của người Torajan ở Indonesia ảnh 2Mamak Lisa

Rồi cô mời tôi bước vào bên trong và gặp Paulo Cirinda.

Tôi chăm chú nhìn về phía chiếc giường. Paulo Cirinda nằm đó, hoàn toàn bất động - thậm chí không hề chớp mắt - dù tôi có thể thấy loáng thoáng đôi mắt ông ấy qua cặp kính phủ bụi mờ. Da dẻ ông trông khô khốc và xám xịt, lấm tấm những lỗ nhỏ như thể bị côn trùng đốt. Phần còn lại của cơ thể ông được phủ dưới vài lớp áo quần.

Tôi cứ nhìn chằm chằm một lúc lâu tới khi những đứa cháu nhỏ của ông vui vẻ chạy vào phòng và đưa tôi trở lại với hiện thực.

"Sao ông cứ ngủ mãi thế?" một đứa hỏi và cười to. "Ông ơi, dậy và chuẩn bị ăn thôi!" đứa còn lại gần như gào lên.

"Suỵt... đừng làm phiền ông, ông đang ngủ," Mamak Lisa nạt chúng. "Mấy đứa sẽ làm ông bực mình đấy."

Còn bây giờ là điều ngạc nhiên. Người đàn ông tên là Paulo Cirinda này đã qua đời được hơn 12 năm - nhưng gia đình nghĩ rằng ông vẫn còn đang sống.

Với người ngoài, ý tưởng giữ thi hài một người chết trong nhà nghe thật xa lạ. Thế nhưng với hơn 1 triệu người tại đây - vùng Toraja ở Sulawesi, miền đông Indonesia - đây là một truyền thống đã có từ hàng thế kỷ.

Ở đây, những niềm tin của thuyết duy linh đã xóa mờ ranh giới giữa thế giới này và thế giới bên kia, khiến cho người chết vẫn hiện diện một cách rõ ràng trong thế giới của người sống.

Sống cùng người chết - tập tục kỳ lạ của người Torajan ở Indonesia ảnh 3

Sau khi một người chết, sẽ mất tới vài tháng, đôi khi là vài năm trước khi tang lễ diễn ra. Trong thời gian đó, gia đình sẽ giữ thi hài trong nhà và chăm sóc như thể họ chỉ đang bị ốm.

Thi hài vẫn được phục vụ đồ ăn, đồ uống và thuốc lá hai lần một ngày, được tắm rửa và thay quần áo thường xuyên. Người chết thậm chí còn có một cái bô ở góc phòng để làm "nhà vệ sinh."

Đặc biệt, người chết không bao giờ bị bỏ mặc một mình - những ngọn đèn luôn được thắp lên cho họ khi trời tối. Gia đình lo rằng nếu không chăm sóc chu đáo cho thi hài, linh hồn của người thân yêu đã qua đời sẽ gây rắc rối cho họ.

Theo truyền thống, những loại lá và thảo mộc đặc biệt sẽ được chà xát lên thi hài để bảo quản. Nhưng ngày nay, họ tiêm vào thi hài hóa chất bảo quản là formalin để thay thế. Nó để lại một mùi hắc rất nồng trong phòng.

Dịu dàng vuốt bờ má chỉ còn da của cha mình, Mamak Lisa cho biết cô vẫn cảm thấy một mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ với ông. "Mặc dù chúng tôi đều theo đạo Thiên Chúa, nhưng họ hàng vẫn hay ghé qua thăm ông hay gọi điện thoại hỏi xem bố tôi thế nào, vì chúng tôi tin rằng ông vẫn có thể nghe thấy chúng tôi và vẫn còn ở đây," cô đặt một bàn tay lên ngực và giải thích.

Trái ngược với những cảm xúc thường xuất hiện khi ở cạnh người chết, tôi không hề thấy sự sợ hãi. Bố tôi cũng đã qua đời vài năm trước, và ông được chôn cất gần như ngay lập tức - trước khi tôi có thời gian hiểu được hoàn toàn chuyện gì đã xảy ra. Tôi vẫn còn phải khá chật vật để đối phó với nỗi đau buồn của mình.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, Lisa nói với tôi rằng việc cha cô vẫn còn ở trong nhà đã giúp cô dễ thích nghi với nỗi đau hơn. Nó giúp cô có thời gian để chậm rãi làm quen với nhân dạng mới của ông - một người chết.

Trong suốt cuộc đời của mình, người Torajan luôn làm việc rất chăm chỉ để tích lũy được nhiều tài sản. Nhưng thay vì phấn đấu để có một cuộc sống xa hoa, họ lại tiết kiệm cho chuyến khởi hành khỏi cõi sống thật rực rỡ.

Cirinda sẽ nằm đó tới khi gia đình ông sẵn sàng nói lời từ biệt - cả về mặt cảm xúc và mặt tài chính. Thi hài của ông cuối cùng rồi sẽ rời ngôi nhà của gia đình trong một tang lễ xa hoa không tưởng, sau một cuộc diễu hành lớn quanh làng.

Theo tín ngưỡng của người Torajan, đám tang là nơi linh hồn rời khỏi trần gian và bắt đầu hành trình dài gian khổ tới Pooya - giai đoạn cuối cùng của kiếp sau, nơi linh hồn được tái sinh.

Trâu được xem là những sinh vật chở linh hồn tới thế giới bên kia, vì thế các gia đình hiến tế số trâu nhiều nhất họ có thể để giúp hành trình của người chết thuận lợi hơn.

Người Torajan dành phần lớn cuộc đời của mình tiết kiệm cho những nghi thức này.

Một khi các gia đình đã tiết kiệm đủ, họ sẽ mời bạn bè và người thân từ khắp nơi trên thế giới đến. Người chết khi còn sống càng giàu có bao nhiêu, những nghi lễ này càng lớn và long trọng bấy nhiêu.

Đám tang mà tôi tham dự là dành cho một người đàn ông tên là Dengen, người đã qua đời hơn một năm trước. Dengen khi còn sống là một người giàu có và quyền lực.

Tang lễ của ông kéo dài bốn ngày. Trong thời gian đó, 24 con trâu và hàng trăm con lợn đã được hiến tế để vinh danh ông. Sau đó, các khách mời sẽ được chia thịt để ăn mừng cuộc đời của Dengen và sự đầu thai sắp tới của ông.

Con trai ông nói với tôi rằng đám tang đã tốn hơn 50.000 USD - tức là gấp hơn 10 lần thu nhập trung bình hàng năm.

Tôi không thể ngăn mình so sánh đám tang ngoài trời xa hoa, náo nhiệt và đầy màu sắc này - ngập tràn những điệu nhảy, âm nhạc tưng bừng, tiếng cười và đương nhiên cả máu - với đám tang của bố tôi. Chúng tôi chỉ tổ chức một buổi lễ nhỏ với những người thân trong gia đình ở một địa điểm nhỏ, tối và yên tĩnh cho ông.

Ký ức u ám và vô cùng buồn bã về ngày hôm đó vẫn còn đọng lại trong tôi - hoàn toàn trái ngược với những gì gia đình Dengen sẽ nhớ về đám tang của ông.

Sau tang lễ, cuối cùng cũng đến lúc chôn cất người chết.

Người Torajan hiếm khi chôn người chết xuống đất. Thay vào đó, họ được chôn vào hầm mộ của gia đình hay đặt ở bên trong, hoặc bên ngoài những hang đá - vì đây là vùng núi non, có rất nhiều hang như vậy.

Sống cùng người chết - tập tục kỳ lạ của người Torajan ở Indonesia ảnh 4

Những hang núi này cũng là một nơi mà ở đó kiếp sau dường như được kết nối với kiếp này. Đôi khi trải dài nhiều cây số, trong các hang núi này chứa đầy những quan tài và thi hài, thậm chí còn có đầu lâu và xương người rải rác.

Bạn bè và gia đình mang những "nhu yếu phẩm" đến cho người thân đã chết của họ - thường là tiền và thuốc lá.

Có một nghi thức lưu giữ hình ảnh truyền thống, đó là khắc hình ảnh những người đàn ông và phụ nữ quý tộc một cách cẩn thận trên gỗ.

Được gọi là "tau tau," tốn khoảng 1.000 USD để chế tác, những tác phẩm điêu khắc này mặc quần áo, đeo trang sức và thậm chí là đội tóc của người chết - những người đứng gác câm lặng nhìn thế giới này từ một không gian khác.

Sống cùng người chết - tập tục kỳ lạ của người Torajan ở Indonesia ảnh 5

Nhưng ngay cả việc chôn cất cũng không có nghĩa là nói lời tạm biệt. Mối quan hệ hữu hình giữa người chết và người sống vẫn tiếp tục kéo dài rất lâu sau đó, qua một nghi lễ được gọi là ma'nene hay còn gọi là "tắm cho xác chết."

Cứ sau vài năm, các gia đình lại đưa quan tài của những người thân đã chết rời khỏi mộ và mở ra cho một cuộc hội ngộ lớn. Tại buổi lễ ma'nene, bạn bè và gia đình mang thức ăn và thuốc lá cho người chết rồi tắm rửa và chải chuốt cho họ một cách đầy tình cảm. Sau đó họ chụp những bức ảnh chân dung gia đình mới với thi hài.

Giáo sư xã hội học người Torajan là Andy Tandi Lolo mô tả đây là một cách duy trì "tương tác xã hội giữa những người còn sống và những người đã chết."

Sau những lời cầu nguyện ngày Chủ nhật, tôi theo chân những người đến từ một ngôi làng Torajan đi từ nhà thờ đến một tòa nhà hình vuông nhỏ lát gạch màu da cam và không có cửa sổ.

Sống cùng người chết - tập tục kỳ lạ của người Torajan ở Indonesia ảnh 6

Đó là một ngôi mộ gia đình. Những lời tụng kinh hòa trộn với tiếng phụ nữ than khóc tạo ra một bầu không khí kỳ quái. Tất cả mọi người có mặt ở đây để dự lễ ma'nene của Maria Solo, người đã qua đời cách đây 3 năm - họ nói rằng tính đến năm nay bà đã 93 tuổi - và được đưa vào hầm mộ gia đình một năm trước. Bây giờ là lúc để bà đi ra khỏi đó.

Những người đàn ông khiêng ra một cỗ quan tài hình trụ màu đỏ được trang trí với những hoa văn hình học bằng vàng và bạc. Những thành viên thân thiết trong gia đình đặt những món đồ cúng lên quan tài cho Maria - lá cây coca, thuốc lá, hạt đắng và tai trâu tươi. Nhưng còn một nghi thức nữa cần được thực hiện trước khi họ mở quan tài, và đó là hiến tế một con trâu.

Cuối cùng họ mở quan tài và một lần nữa, mùi xạ hương và formalin xộc lên trong không khí. Trong đó là thi hài của một bà cụ nhỏ thó nằm bất động. Mái tóc bạc trắng của bà được buộc lại gọn gàng, để lộ khuôn mặt gầy gò. Miệng và mắt bà hơi hé ra, và nước da xám xịt khiến bà trông giống một bức tượng đá hơn một người phụ nữ đã chết.

Con cái bà có cảm giác thế nào khi thấy mẹ mình như vậy? Con trai cả của bà, một doanh nhân đội mũ bóng chày, hiện đang sống ở thủ đô Jakarta của Indonesia tỏ ra rất bình thản. Ông nói rằng chuyện này không khiến ông thấy khó chịu - và không chỉ vậy, nó nhắc ông nhớ lại rằng mẹ mình kiên nhẫn như thế nào và bà yêu thương ông ra sao. Giống như gia đình của Cirinda, người thân của Maria Solo vẫn nhắc đến bà bằng thì hiện tại, như thể bà chưa hề qua đời.

Một khi thi hài được mang ra, những dấu hiệu đau buồn và căng thẳng liền biến mất. Ngay cả tôi cũng ngừng thấy hồi hộp. Một vị khách khác - rất thân với Maria Solo - là Estersobon, con dâu của bà. Bà nói với tôi rằng ma'nene đã làm giảm đi gánh nặng buồn đau của bà và giúp làm sống lại những ký ức về những người thân yêu đã qua đời.

Tôi nói với Estersobon rằng tôi muốn nhớ về người cha đã khuất của mình như khi ông còn sống - và tôi lo rằng nếu tôi thấy cha mình chết, điều đó sẽ thay đổi hình ảnh của ông trong tôi. Nhưng Estersobon khẳng định điều đó chẳng tạo ra sự khác biệt nào trong cách những người thân nhớ về người chết.

Sống cùng người chết - tập tục kỳ lạ của người Torajan ở Indonesia ảnh 7

Sau khi tất cả mọi người đã dành thời gian với Maria và chụp vài bức ảnh gia đình cùng bà, đã đến lúc quàng cho bà một mảnh vải trắng như một biểu tượng của việc thay quần áo cho bà. Ở nhiều làng, họ thay hẳn một bộ quần áo mới và thậm chí còn đưa thi hài đi dạo quanh làng.

Nhưng những thông lệ này đang dần biến mất, khi theo thời gian, hơn 80% người Torajan đã không còn theo tôn giáo duy linh cổ là Aluk to dolo nữa và chuyển sang theo đạo Thiên Chúa. Dần dần, những lề thói cũ cũng thay đổi như một điều tất yếu.

Tuy nhiên, Thiên Chúa giáo và Aluk to dolo luôn tồn tại song hành, tính từ khi đạo Thiên Chúa có mặt ở khu vực này. Andy Tandi Lolo nói rằng khi những người Hà Lan đến truyền giáo lần đầu ở đây, cách đây chưa đầy một thế kỷ, họ đã cũng đã tìm cách cấm các tôn giáo duy linh. Nhưng tới những năm 1950, họ nhận ra rằng nếu muốn người Torajan chấp nhận đức tin mới, họ phải thể hiện sự mềm dẻo, và cho phép họ tiếp tục những lễ nghi của mình.

Ở những nơi khác trên thế giới, những tục lệ này có thể rất kỳ quái. Nhưng có lẽ những nguyên tắc đằng sau chúng cũng không quá khác biệt với những tục lệ trong các nền văn hóa khác. Nhớ về người chết là điều rất nhiều người trong số chúng ta làm. Người Torajan chỉ đơn giản là có một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục