Trôi đi, một dòng lấp lánh

“Sông Đuống” đã… “trôi đi một dòng lấp lánh"

"Lá diêu bông" đã rụng về cội vào một sớm mùa Hạ, sự ra đi đúng với quy luật sinh-lão-bệnh-tử của đời người mà sao cứ nao nao nỗi niềm.

Bao nhiêu năm qua, với người yêu thơ thì Hoàng Cầm là một nhà thơ gắn với huyền thoại “Lá diêu bông," một loại lá thách đố của tình vong niên bất thành. Vậy mà vào những ngày đầu mùa Hạ năm 2010 này “chiếc lá ấy” đã rụng về cội.

Một sự ra đi ngỡ là đúng với quy luật sinh-lão-bệnh-tử của đời người vậy mà sao cứ nao nao những nỗi niềm. Và lẽ nào… “Sông Đuống” đã… “trôi đi/ một dòng lấp lánh."

“Diêu bông hời... ới diêu bông...!”

Khoảng 20 năm trước, khi những đêm thơ sinh viên luôn làm náo nức lòng người trẻ, những người say mê thơ ca, thỉnh thoảng được gặp nhà thơ Hoàng Cầm trong những cuộc đến cùng thanh niên.

Khi các chàng trai cô gái làm thơ trẻ còn “xanh nguyên” đang cố tỏ ra già dặn để đọc lên những vần thơ trải nghiệm của mình, thì Hoàng Cầm lại hồi hộp nhưng đầy hào hứng với những câu thơ tình rất đỗi trong lành.

Hồi đó, bao giờ ông cũng mặc áo sơmi đỏ tươi, quần trắng, râu tóc bạc phơ, nụ cười hiền từ và đọc thơ tình rất lẳng...

Câu chuyện của ông trước khi bài thơ bắt đầu bao giờ cũng là “Tôi đã yêu từ năm lên tám tuổi. Câu chuyện về tình yêu đầu là dành cho người chị hơn tuổi ở nhà hàng xóm. Năm 12 tuổi tôi thất tình, buồn đau tấm tức khi chị đi lấy chồng." Đó cũng chính là xuất xứ của bài “Lá diêu bông."

“Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
...
Hai ngày em tìm thấy lá 
Chị chau mày 
Đâu phải lá diêu bông 
...
Chị ba con 
Em tìm thấy lá 
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá 
Đi đầu non cuối bể 
Gió quê vi vút gọi 
Diêu bông hời... 
...ới diêu bông...!”

Có thể nói Hoàng Cầm đã tạo ra một giai thoại tuyệt đẹp trong thi ca Việt Nam về một loại lá trong mơ, loại lá trêu đùa, trì hoãn, lảng tránh của tình yêu. Đó là câu chuyện về tấm chân tình của cậu trai... thiếu niên tìm điều không có thực.

Biết đâu ông vẫn đi tìm lá diêu bông cho đến ngày hôm nay. Lá diêu bông thể hiện giấc mơ được yêu, những mong muốn được thấu hiểu, vốn bao nhiêu cũng không đủ với thi nhân.

Và bài thơ đã chạm vào đáy tâm hồn ta. Vì có thể mỗi chúng ta trong đời đều có một loại “Lá diêu bông” cho riêng mình để ngưỡng vọng, cho dù sau đó là thất vọng. Chỉ biết rằng cuối cùng ta vẫn muốn lá ấy đừng mất đi trong tâm tưởng. Dấu ấn ngây thơ nhưng đầy ắp chân tình kiểu “Lá diêu bông” là dấu ấn đẹp nhất trong hồn người. Nhà thơ Olga Bergol từng viết:

“Lũ trẻ lớn lên lại nhấp vị ngọt ngào thuở trước
Vẫn sông Neva những buổi chiều sóng nước
Xét cho cùng họ có lỗi đâu anh!”

Thứ lá đẹp của mong ước thời hoa niên trong thơ Hoàng Cầm cũng vậy!

“Em ơi buồn làm chi”

Điều để luôn nhớ là trong thơ Hoàng Cầm là thế nào cũng có dấu ấn của “em." Kể cả trong các bài thơ kháng chiến, cứ vẫn nhất định phải có “em." Em thật tình tứ, em thật thân thương.

Ngay trong bài thơ nằm lòng với bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã học qua cấp học trung học phổ thông là bài “Bên kia sông Đuống” trong chương trình ngữ văn lớp 12, “em” liên tiếp xuất hiện ở mỗi đoạn.

Nhiều thầy cô giáo dạy văn giảng là những người “em” giả định, người “em” phiếm chỉ, người “em” của quê hương. Nhưng căn cứ vào những lần gặp Hoàng Cầm, thấy ông là con người tình tứ, ngọt lành lắm, tôi lại nghĩ không hoàn toàn là thế.

Chuẩn về vẻ đẹp, nấc thang yêu và niềm đau của ông đều bắt đầu cảm hứng với hình ảnh người đẹp. “Em” hẳn không chỉ gắn với riêng một bóng dáng duy nhất, thật khó nói là em giả định hoàn toàn.

Hẳn cũng có đoạn, có dòng là tình thật lắm chứ! Yêu “em” càng thêm yêu quê hương, xót xa lo cho em hòa cùng xót xa quê hương bị “giặc tràn lên đốt phá” thì càng sâu sắc hơn.

Nhớ lại bài thơ này bỗng hiểu sâu sắc chất trữ tình rất âu yếm gần gũi và đầy phong độ nam tính trong thơ ông. Khi nghe tin quê hương có giặc ông bật lên ngay cảm hứng an ủi, che chở.

Câu thơ mở đầu là lời hướng đến em tha thiết: “Em ơi buồn làm chi." Khi nhớ đến các lễ hội vùng Kinh Bắc ông kể ngay: “Những nàng môi cắn chỉ quết trầu/ những cụ già phơ phơ tóc trắng/ Những em sột soạt quần nâu."

Nhớ phiên chợ Kinh Bắc qua: “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng." Nhớ những con người quê khéo léo thì mở đầu cũng là: “Những nàng dệt sợi."

Cho đến kết bài thơ, khi mơ khúc khải hoàn cũng trong niềm vui của “em” và vui khi thấy “em” vui: "Bao giờ anh lại gặp em/ Em mặc yếm thắm/ Em thắt lụa hồng/ Em đi chảy hội non sông/ Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh."

Lãng mạn là thế, ngọt ngào là thế! Đó là Hoàng Cầm của tình yêu thương. Quê hương sông Đuống của Hoàng Cầm đã được các thế hệ học trò của cả nước biết tới tuyệt đẹp qua bài thơ hướng về Sông Đuống từ Việt Bắc ấy. Nhờ Hoàng Cầm mà vùng Kinh Bắc sáng ngời trên bản đồ thơ ca Việt.

Từ năm 1948, trước đây rất lâu, khi chúng ta chưa hề chính thức đặt ra việc giữ gìn bản sắc dân tộc thì bản sắc Việt đã được nhà thơ Hoàng Cầm đầy kiêu hãnh tự hào viết: “Màu dân tộc sang bừng trên giấy điệp."

“Bây giờ đi đâu về đâu”

Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” bên cạnh tình yêu quê hương là nỗi đau khi quê hương bị giặc tàn phá. Con người quê hương không biết “Đi đâu về đâu”?

Những câu hỏi thổn thức “Bây giờ đi đâu về đâu”? giờ này cũng như vang lên trong giờ phút cách biệt nghìn trùng. Biết thơ Hoàng Cầm còn mãi, kịch “Kiều Loan” của ông cũng còn đó trong những đêm diễn sẽ hút người xem. Nhưng sao trống trải làm vậy!  

Một đời thơ nào luôn được yên với thơ, một đời yêu vẫn nhiều ngày bơ vơ, cuộc đời Hoàng Cầm có không ít tháng năm buồn vì bị hiểu sai, buồn vì đau ốm... Hai năm nay, trong chương trình lớp 12 đổi mới của ban cơ bản không có thơ Hoàng Cầm.

Cô giáo dạy văn nhận tin nhắn buồn từ nhà báo chạy ào vào lớp ban A hỏi: “Các con có biết Hoàng Cầm không?” Học sinh chuyên Toán, Lý, Hóa trả lời: “Ai hả cô, không ạ!”.

Sang lớp có học nâng cao môn văn hỏi, thì nhận được câu trả lời: “À, có ạ. Tác giả của bài đọc thêm “Bên kia sông Đuống." Bài đó đọc thêm không phải ôn thi đâu cô nhỉ?”...

Ôi những người trẻ yêu thơ Hoàng Cầm, những vần thơ hay đến thế và cả người thơ tóc trắng như cước, hồn đẹp như mây ấy “Bây giờ đi đâu về đâu”?./.

- Nhà thơ Hoàng Cầm từ trần vào lúc 9 giờ 30 phút, ngày 6/5, tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.
 
 Thi sĩ Hoàng Cầm là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại - năm 2007 đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật.
 
 - Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của thi sĩ Hoàng Cầm: "Bên kia sông Đuống" (thơ xuất bản năm, 1948), "Kinh Bắc" (thơ xuất bản năm 1959), "Men đá vàng" (truyện thơ xuất bản năm 1973), "Mưa Thuận Thành" (thơ năm 1959), "Trương Chi" (xuất bản năm 1993), "Lá Diêu Bông" (thơ năm 1993), "Đến từ hư không" (thơ năm 2000)...
 
 Được biết, Hội Nhà văn Việt Nam đã họp bàn chuẩn bị tổ chức tang lễ cho Thi sĩ Hoàng Cầm. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức với nghi thức cao nhất  của Hội Nhà văn Việt Nam, vì những đóng góp của thi sĩ cho nền văn học Việt Nam hiện đại.
  
Nguyễn Kim Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục