Sông Krông Nô sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm ha đất sản xuất biến mất

Sông Krông Nô - ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk - đang bị sạt lở nghiêm trọng làm mất hàng trăm hécta đất sản xuất, cuốn trôi nhà cửa người dân và đe dọa an toàn các công trình giao thông.
Sông Krông Nô sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm ha đất sản xuất biến mất ảnh 1Dấu tích của một ngôi nhà vừa dòng sông nuốt chửng. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)

Sông Krông Nô - ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk (Đắk Lắk gọi là sông Krông Na) đang bị sạt lở nghiêm trọng làm mất hàng trăm hécta đất sản xuất, cuốn trôi nhà cửa người dân và đe dọa an toàn các công trình giao thông, thủy lợi.

Điều đáng nói, đây không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng chưa có giải pháp quản lý, khắc phục hiệu quả.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đông có khoảng 2ha đất sản xuất tại cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô. Hàng năm, ông Đông cấy hai vụ lúa và trồng thêm các loại cây trồng khác như Ngô, khoai lang, rau, đậu... Đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, nhưng vài năm trở lại đây, ông lo lắng bởi nguồn tư liệu sản xuất bị bóc từng mảng cuốn theo dòng nước do sạt lở bờ sông Krông Nô.

Trước đây lòng sông hẹp, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra liên tục và nghiêm trọng khiến nhiều diện tích ở và sản xuất của bà con đổ hết xuống sông nên lòng sông mới mở rộng như hiện nay. "Sạt lở bờ sông làm mất của gia đình gần 1ha đất canh tác và mới đây căn chòi rẫy rộng gần 50m2 cùng nhiều dụng cụ lao động đã đổ ập xuống lòng sông,” ông Đông nói.

Gia đình chị Trần Thị Thảo ở gần đó cũng đang sống trong thấp thỏm, lo sợ. Qua 10 năm, tình trạng sạt lở nghiêm trọng không chỉ lấy đi một sào đất canh tác mà còn lo ngôi nhà không biết đổ xuống sông lúc nào. Để ngăn chặn tình trạng sạt lở, gia đình đã dùng mọi biện pháp như trồng cỏ dọc bờ sông làm kè nhưng vẫn không thể ngăn chặn nổi. Nhiều nhà không dám ở đã chuyển đi nơi khác, còn gia đình bà chưa có điều kiện mua đất nên vẫn phải ở. Gia đình mong chính quyền sớm có giải pháp ngăn chặn sạt lở bờ sông để người dân yên tâm sản xuất.

Không chỉ gia đình ông Đông, bà Thảo mà nhiều hộ dân khác dọc sông Krông Nô qua địa bàn xã Nâm N’Đir cũng đang sống trong cảnh lo âu, bức xúc vì hàng ngày đang chứng kiến đất đai, tài sản bị dòng sông “nuốt chửng.”

[Hàng trăm hécta đất biến mất mỗi năm do sạt lở ven sông, biển ở Cà Mau]

Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch xã Nâm N’Đir, cho biết toàn xã đã có 15ha đất sản xuất và hoa màu của gần 50 hộ dân bị sạt lở. Vị trí sạt lở nặng nhất tại khu vực gần trạm bơm số 3, số 4 và số 5 công trình thủy lợi Đăk Rền. Nhiều điểm sạt lở chỉ còn cách đường giao thông nội đồng chỉ 3-4m.

Ủy ban Nhân dân xã Nâm N’Đir đã gửi nhiều báo cáo lên cấp trên và Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có hỗ trợ, bồi thường cho người dân và chưa có giải pháp hữu hiệu để chống tình trạng sạt lở bờ sông.

Trước tình trạng này, cuối tháng 9/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông phối hợp với các ngành liên quan, huyện Krông Nô tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện tình hình sạt lở để đưa ra những giải pháp khắc phục . Theo đó, dọc sông Krông Nô có 19 điểm sạt lở xung yếu với tổng chiều dài hơn 8,5km, kéo dài trên địa bàn năm xã của huyện Krông Nô gồm: Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N’Đir và Buôn Choah. Các điểm sạt lở có bề rộng từ 5-30m, chiều sâu khoảng 5-10m.

Nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông là do tình trạng khai thác cát quá mức tập trung tại một điểm trong thời gian dài, dẫn đến lòng sông bị khoét sâu, gây sạt lở. Bên cạnh đó, hoạt động xả nước của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đã dẫn đến lưu lượng nước trên sông Krông Nô bị thay đổi thất thường trong ngày dẫn đến phá vỡ kết cấu địa chất của bờ sông ở những khu vực có địa chất yếu, gây sạt lở đất. Ngoài ra, tất cả các khu vực sạt lở đều có kết cấu địa chất là đất phù sa bồi đắp, chủ yếu là đất cát pha nên rất yếu và dễ bị sạt lở khi quá trình xâm thực xảy ra, đặc biệt ở những đoạn sông uốn khúc.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông Đàm Quang Trung cho biết để kịp thời xử lý vấn đề sạt lở dọc bờ sông Krông Nô nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân, bảo đảm việc khai thác cát không ảnh hưởng tới môi trường, Sở đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông tạm dừng cấp giấy phép mới; tạm đình chỉ hoạt động khai thác cát của các Công ty Xuân Bình, Công ty Phú Bình và Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai ở những khu vực đang sạt lở nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, đặc biệt là các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức cá nhân.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty Thủy điện Buôn Kuốp có phương án vận hành nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah theo chiều hướng điều tiết nước với lưu lượng ổn định, không đóng, xả bất thường và các phương án khác để giảm thiểu tối đa nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Yêu cầu công ty thủy điện và các doanh nghiệp khai thác cát khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá xác định thiệt hại để đền bù, hỗ trợ cho cho người dân khu vực ảnh hưởng.

Về giải pháp lâu dài, tỉnh Đắk Nông sẽ làm việc với tỉnh Đắk Lắk nhằm có biện pháp phối hợp quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô tránh gây sạt lở ở những vị trí xung yếu, bảo vệ môi trường. Đồng thời nghiên cứu lập dự án và triển khai đầu tư xây kè tại một số điểm sạt lở nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục