Sống lại ký ức Hà Nội xưa với Hội Xuân Hoàng thành Thăng Long

Người xem sẽ được sống lại với ký ức Hà Nội xưa với những bộ áo dài lụa Hà Đông, những đồ gốm sứ Bát Tràng, đồ thờ cúng bằng đồng, nghệ nhân ngồi vẽ tranh Đông Hồ, những cây nêu rực sắc màu.
Sống lại ký ức Hà Nội xưa với Hội Xuân Hoàng thành Thăng Long ảnh 1Xin chữ đầu năm. (Ảnh minh họa. Phương Vy/TTXVN)

Ngày 29/1, Hội Xuân Hoàng thành Thăng Long mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân 2016 do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức đã tưng bừng khai mạc.

Hội Xuân Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động gồm triển lãm Tết Việt, triển lãm Ảnh di sản Việt Nam, triển lãm hoa và cây cảnh nghệ thuật, trưng bày phát lộ khảo cổ học mới.

Đặc biệt, triển lãm Tết Việt là hoạt động đặc sắc, giới thiệu nhiều hình ảnh, hiện vật độc đáo về Tết xưa, đồng thời tái hiện không gian truyền thống của người Việt đón Tết như gian hàng Tết, tranh Tết, trang phục đón Tết, không gian thờ ngày Tết, thú chơi hoa và cây cảnh ngày Tết, tục xin chữ đầu năm…

Người xem sẽ được sống lại với ký ức Hà Nội xưa với những bộ áo dài lụa Hà Đông, những đồ gốm sứ Bát Tràng, đồ thờ cúng bằng đồng, nghệ nhân ngồi vẽ tranh Đông Hồ, những cây nêu rực sắc màu, những bình thủy tiên trưng bày trong ngày Tết.

Hội Xuân Hoàng thành Thăng Long còn có triển lãm hoa và cây cảnh nghệ thuật do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thăng Long thực hiện, trưng bày hơn 700 tác phẩm tại thềm điện Kính Thiên và trước sân di tích Đoan Môn; trong đó có các chủng loại cây như, sanh cổ, si, tùng cối, vọng cách, ngũ sắc, tùng La Hán, tùng Kim, lộc vừng… Triển lãm còn có sự "góp mặt" của cây thông trắng và thông đen Nhật Bản và hoa trà Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội còn tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu những phong tục, tập quán của người Việt trong ngày Tết. Nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Hữu Quả sẽ giới thiệu về quy trình làm tranh Đông Hồ; nghệ nhân làng Tranh Khúc sẽ giới thiệu về cách gói bánh trưng; nghệ nhân Ánh Tuyết giới thiệu về mâm cỗ truyền thống Tết, hướng dẫn cách làm món nem truyền thống.

Trong dịp này, Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như biểu diễn âm nhạc dân gian, biểu diễn rối nước tạo không khí vui tươi, giàu bản sắc văn hóa và lễ dâng hương tưởng nhớ đến các bậc tiên đế, tiên hiền tại Hoàng thành Thăng Long.

Hội Xuân Hoàng thành Thăng Long đón khách tham quan từ nay đến hết ngày 5/2 và tiếp tục mở cửa vào ngày 10/2; nghỉ đón khách vào các ngày 6, 7, 8, 9/2 (tức ngày 28, 29 năm Ất Mùi và mùng 1, 2 Tết Bính Thân); tuy vậy, trong thời gian này các điểm di tích trong Hoàng thành Thăng Long vẫn phục vụ khách đi lễ, dâng hương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục