Sóng thần sẽ được thể hiện trên bản đồ cảnh báo

Các bản đồ này sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về mức độ ngập, thời gian sóng thần đến bờ biển ở các địa phương...
Khi động đất xảy ra trên biển Đông, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sẽ nhập các thông số động đất vào hệ thống bản đồ cảnh báo.

Hệ thống này tự động tính toán, xác định khả năng xảy ra sóng thần ở vùng biển Việt Nam, lựa chọn trong số 25 kịch bản những kịch bản tương ứng, từ đó đưa ra các bản đồ cảnh báo - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển và tương tác biển - khí quyển (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Xuân Hiển nói.

Theo đó, các bản đồ này sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về mức độ ngập, thời gian sóng thần đến bờ biển ở các địa phương... Qua đó, Trung tâm xác định được khu vực cần phát tin cảnh báo.

Đây là 25 kịch bản cảnh báo nguy cơ sóng thần do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng; đồng thời bộ còn xây dựng và chuyển giao hệ thống bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Việc cảnh báo sớm rất cần thiết bởi sóng thần đến rất nhanh, sau khi có động đất mạnh ngoài khơi. Chỉ 1-2 giờ sau khi động đất, sóng thần đã tấn công vùng biển nước ta.

Nếu không nhận biết sớm, vận hành hệ thống cảnh báo sóng thần và kịp thời đưa ra bản tin cảnh báo sóng thần, sóng thần sẽ gây thảm họa đặc biệt nghiêm trọng cho các tỉnh ven biển, tổn hại lớn về người, gây ngập lụt và trực tiếp tấn công phá hủy các công trình, nhà cửa ven biển.

Để nâng độ chính xác của các kịch bản sóng thần, ông Nguyễn Xuân Hiển cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu xác định cụ thể hơn mức độ, vị trí động đất ở khu vực biển Đông.

Đồng thời cần nghiên cứu khả năng xảy ra sóng thần do các nguyên nhân khác ngoài động đất như do trượt lở đất, phun trào núi lửa ngầm.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các kịch bản cảnh báo sóng thần, nhất là nghiên cứu đánh giá rủi ro do sóng thần cho các vùng tập trung dân, xây dựng thêm các kịch bản bổ sung phục vụ phòng tránh sóng thần.

Cùng với xây dựng, hoàn thiện bản đồ và hệ thống cảnh báo sóng thần, ở địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân và các cấp chính quyền khu vực ven biển để tự phòng tránh, giảm thiểu tối đa thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục