S&P Global hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á

S&P Global hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á từ mức 5,6% xuống còn 5% do nhu cầu toàn cầu giảm và xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng lên nền kinh tế khu vực trong năm 2022.
S&P Global hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á ảnh 1Một cảng hàng hóa ở Thái Lan. (Nguồn: Reuters)

Ngày 29/3, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global dự báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 5,1% trong năm nay và khoảng 4,5% vào năm 2023-2025, khiến đây vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.

Trong bản cập nhật kinh tế hằng quý cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, S&P Global dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) về cơ bản không thay đổi vì các nền kinh tế này được coi là có năng lực chống chịu tốt trước cú sốc lạm phát.

S&P Global hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á từ mức 5,6% xuống còn 5% do nhu cầu toàn cầu giảm và xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng lên nền kinh tế khu vực trong năm 2022.

Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global, nhận định căng thẳng Nga-Ukraine, việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản, giá năng lượng tăng vọt và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở Trung Quốc đang làm phức tạp thêm triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.

[Khủng hoảng Ukraine không ảnh hưởng đồng nhất trên toàn Đông Nam Á]

Điều này sẽ làm giảm sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, làm chậm quá trình mở rộng xuất khẩu và sản xuất, vốn là những động lực tăng trưởng chính trong năm 2021, trong khi sự bất ổn lớn hơn và giá năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng trong nước.

Cũng theo ông Kuijs, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Philippines bị hạ dự báo tăng trưởng nhiều nhất khi giảm 0,9% xuống còn 6,5%. Giá năng lượng cao sẽ là tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong khu vực và sẽ gây căng thẳng cho cán cân vãng lai của một số quốc gia.

Malaysia có vị thế thuận lợi trong việc chống chọi với giá năng lượng cao hơn khi vốn là nước xuất khẩu năng lượng ròng, chủ yếu là khí đốt. Tuy nhiên, các nhà sản xuất sẽ không thể hưởng lợi đầy đủ từ việc tăng giá năng lượng do chính phủ nước này có thể khống chế mức tăng.

Indonesia cũng là nước xuất khẩu năng lượng ròng, nhưng phần lớn thặng dư của nước này là nhờ xuất khẩu than. Indonesia lại là nước nhập khẩu dầu mỏ. Người tiêu dùng các sản phẩm dầu mỏ sẽ vẫn cảm nhận được sự ảnh hưởng do giá dầu thô cao hơn.

Các nền kinh tế khác trong khu vực là những nhà nhập khẩu năng lượng ròng, do đó giá năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến sức mua và tài khoản vãng lai ở các nước này.

Ông Kuijs cũng cho biết áp lực lạm phát gia tăng và chính sách tăng lãi suất của Mỹ đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương khu vực Đông Nam Á hướng tới thắt chặt chính sách tiền tệ hơn song theo hướng thận trọng.

Tuy nhiên, nếu lãi suất ở Mỹ tăng tỷ lệ thuận với tâm lý lo ngại rủi ro và kích hoạt làn sóng rút vốn, khi đó các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á có thể buộc phải đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục