S&P hạ bậc tín nhiệm của Argentina xuống mức “vỡ nợ một phần”

S&P hạ bậc tín nhiệm của Argentina sau khi Chính phủ nước này ra sắc lệnh về việc lùi thời hạn thanh toán lãi suất và giảm một phần trong vốn gốc các khoản nợ công định giá bằng đồng USD sang 2021.
S&P hạ bậc tín nhiệm của Argentina xuống mức “vỡ nợ một phần” ảnh 1Nhiều gian hàng trống trơn do người dân mua hàng tích trữ tại một siêu thị ở Buenos Aires, Argentina,ngày 15/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/4, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's (S&P) đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Argentina từ “CCC” (mức có khả năng vỡ nợ hoặc cơ cấu lại một số khoản nợ) xuống mức “Selective Default," tức đã vỡ nợ một phần.

S&P, một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới cùng với Fitch và Moody’s, hạ xếp hạng của Argentina do Chính phủ nước này ngày 6/4 đã ra sắc lệnh về việc lùi thời hạn thanh toán lãi suất và giảm một phần trong vốn gốc các khoản nợ công định giá bằng đồng USD được phát hành trong nước với tổng trị giá khoảng 9,8 tỷ USD sang năm 2021.

Hãng xếp hạng tín dụng này cho biết thêm họ có thể đưa xếp hạng nợ của Argentina ở mức “vỡ nợ” một khi chính phủ hoàn tất các điều khoản cho việc tái cơ cấu nợ.

Theo S&P, quyết định hạ bậc tín nhiệm của Argentina phản ánh bất lợi từ việc thay đổi tỷ lệ nợ và hồ sơ tài chính của Argentina, tỷ giá hối đoái không ổn định, bên cạnh lạm phát cao và suy thoái kinh tế sâu tại quốc gia Nam Mỹ này.

[Nền kinh tế Argentina đối diện nguy cơ suy thoái sâu hơn]

Trước đó, hãng xếp hạng tín dụng Fitch ngày 6/4 đã hạ xếp hạng của Argentina xuống mức “Vỡ nợ giới hạn” do quyết định trì hoãn thanh toán nợ của chính phủ. Moody’s cũng giảm mức xếp hạng tín dụng của nước này, sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm gián đoạn các cuộc đàm phán giữa Argentina với các chủ nợ về vấn đề tái cơ cấu nợ.

Argentina đã phải trải qua một giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài từ năm 2018 và đang tìm cách đàm phán để tái cấu trúc khoản nợ 68,8 tỷ USD với các chủ nợ nước ngoài. Nước này dự kiến đưa ra những đề xuất mới trước ngày 31/3 song đã buộc phải điều chỉnh do sự bùng phát của dịch COVID-19.

Nhiều khả năng Argentina sẽ đề nghị giảm một phần trong vốn gốc và lãi suất nhằm tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ. Ý tưởng này đang nhận được sự hậu thuẫn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thể chế tài chính mà Argentina đang có khoản nợ lên tới 44 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục