Sri Lanka quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn LTTE

Hai ngày sau khi chiếm được "tổng hành dinh" của lực lượng ly khai Những con hổ Giải phóng Tamin (LTTE), quân đội Sri Lanka ngày 4/1 đã mở cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ còn lại mà LTTE chiếm giữ, nhằm tiêu diệt hoàn toàn phiến quân và chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng nhất châu Á này.

Hai ngày sau khi chiếm được "tổng hành dinh" của lực lượng ly khai Những con hổ Giải phóng Tamin (LTTE), quân đội Sri Lanka ngày 4/1 đã mở cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ còn lại mà LTTE chiếm giữ, nhằm tiêu diệt hoàn toàn phiến quân và chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng nhất châu Á này.

Theo nguồn tin quân sự Sri Lanka, quân đội chính phủ đã huy động xe tăng và lính đặc nhiệm trang bị súng trường và súng phóng lựu, với sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, tiến đánh hai thành trì lớn nhất mà LTTE còn chiếm giữ, gồm các khu vực thuộc Đèo Voi ở phía Bắc và Mullaittivu ở phía Đông. Quân đội tuyên bố sẽ bắt bằng được thủ lĩnh LTTE Velupillai Prabhakaran. Tư lệnh Lục quân Sri Lanka Sarath Fonseka tuyên bố quân đội sẽ tiến đánh đến cùng và tiêu diệt hoàn toàn LTTE.

Một trang web của LTTE đưa tin lực lượng nổi dậy đã chống cự quyết liệt, chặn đánh quân đội trên đường đến Mullaittivu và làm 43 binh sĩ chính phủ thiệt mạng, 80 người khác bị thương.

Người phát ngôn quân đội Udaya Nanayakkara xác nhận đã xảy ra giao tranh tại khu vực song từ chối tiết lộ thông tin về thương vong.

Trước đó, ngày 2/1, quân chính phủ đã giành quyền kiểm soát thành phố Kilinochi  ở miền Bắc - vốn là trung tâm chính trị quân sự của LTTE trong suốt 10 năm qua.
 
Một cựu chỉ huy LTTE và từng là nhân vật số hai trong tổ chức này, ông Vinayagamurthi Muralitharan cho rằng thắng lợi này của quân đội đã giáng một đòn chí tử vào LTTE, làm tiêu tan cơ cấu hành chính của LTTE.
 
Tuy nhiên, dư luận tại Sri Lanka cho rằng cuộc nội chiến chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Nhiều ý kiến nhận định LTTE đã bị suy giảm sức mạnh và khó giành lại những vùng lãnh thổ đã mất, nhưng lực lượng này sẽ rút vào hoạt động bí mật và nguy cơ một cuộc chiến tranh du kích kéo dài là khó tránh khỏi. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cyril Ranatunga cho rằng cần có một giải pháp chính trị mới mong giải quyết dứt điểm cuộc chiến này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục