Sri Lanka từ chối lực lượng cứu trợ Liên hợp quốc

Sri Lanka ngày 23/4 đã bác bỏ đề nghị của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về việc triển khai sứ mệnh nhân đạo của Liên hợp quốc tại khu vực Đông Bắc nước này.

Sri Lanka ngày 23/4 đã bác bỏ đề nghị của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về việc triển khai sứ mệnh nhân đạo của Liên hợp quốc tại khu vực Đông Bắc nước này.
 
Tập đoàn truyền thông BBC của Anh dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Gotabhaya Rajapakse nói rằng "để các cơ quan cứu trợ vào khu vực xung đột này là không hợp lý, bởi quân đội đang tiến hành chiến dịch cứu trợ thường dân tại đây".

Trước đó, phát biểu tại Brucssels (Bỉ), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông có ý định triển khai ngay lập tức một nhóm hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tới khu vực Đông Bắc Sri Lanka, nơi hàng nghìn dân thường đang mắc kẹt trong chiến sự giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE).

Theo ông Ban Ki-moon, nhiệm vụ của nhóm này trước hết là giám sát toàn bộ tình hình ở đó, đồng thời hỗ trợ nhân đạo và làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ thường dân.
 
Theo trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động nhân đạo Catherine Bragg, hiện có khoảng 50.000 thường dân Sri Lanka đang mắc kẹt tại khu vực chiến sự.
 
Quân đội Sri Lanka cho biết LTTE đã bị dồn vào chân tường và hiện chỉ kiểm soát khoảng 10 - 12 km2 vùng lãnh thổ ở Đông Bắc. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn kháng cự quyết liệt, bất chấp lời kêu gọi đầu hàng của Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse cũng như của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
Theo phát ngôn viên quân đội, Thiếu tướng Udaya Nanayakkara, LTTE sử dụng cả xe tăng và trọng pháo để kháng cự, đụng độ xảy ra rải rác tại cả khu vực mà trước đó chính phủ cho là "không còn giao tranh". Tướng Nanayakkara cho biết ưu tiên hiện nay là đưa thường dân ra khỏi khu vực đó, sau đó chiến sự sẽ kết thúc nhanh chóng.
 
Hiện chưa có bình luận gì từ phía LTTE, song một trang web ủng hộ lực lượng này cáo buộc quân đội chính phủ bắn pháo vào khu vực do LTTE kiểm soát gây thương vong cho thường dân.
 
LTTE bắt đầu đấu tranh đòi thành lập một nhà nước ly khai của người thiểu số Ta-min ở Sri Lanka từ những năm 70 của thế kỷ trước. Cuộc đấu tranh này đã phát triển thành nội chiến kể từ năm 1983 và đã có lúc LTTE kiểm soát tới 1/3 lãnh thổ quốc đảo này. Từ đầu năm 2008, Chính phủ Sri Lanka quyết định tiến hành các chiến dịch quân sự quy mô lớn, quyết tâm triệt phá lực lượng li khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục