Start-up Việt lơ là với 'chìa khóa' mở cánh cửa phát triển bền vững

Trên hành trình phát triển của mình, nhiều start-up Việt đã bỏ quên 'chìa khóa' có thể giúp họ gọi vốn nước ngoài, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường...
Start-up Việt lơ là với 'chìa khóa' mở cánh cửa phát triển bền vững ảnh 1Tiến sỹ Phạm Hồng Quất cho hay, nhiều start-up còn khá lơ là với sở hữu trí tuệ. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Cho dù phong trào khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà các start-up còn khá lơ là với sở hữu trí tuệ, một trong nhưng “chìa khóa” quan trọng giúp phát triển bền vững.

Tiến sỹ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus về vấn đề này.

Thờ ơ với… “chìa khóa”

- Sở hữu trí tuệ được xem là đòn bẩy để các start-up tăng trưởng bền vững. Là người sâu sát với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông có nhận định gì về việc này?

Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Đã nói đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải gắn với sở hữu trí tuệ.

Bởi lẽ, dù là công nghệ, hay mô hình kinh doanh mới mà muốn tăng trưởng bền vững thì phải gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đây chính là bảo vệ quyền khai thác thị trường và khi mô hình kinh doanh tăng trưởng ở quy mô toàn cầu thì nhà đầu tư rất quan tâm vấn đề này.

- Thực tế thì không ít start-up vẫn thờ ơ với sở hữu trí tuệ, thưa ông?

Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Nhiều bạn trẻ hiện nay chưa ý thức hết được ý nghĩa của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta mải mê làm sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, nhưng khi gọi vốn, đặc biệt là gọi vốn quy mô quốc tế thì việc đầu tiên các nhà đầu tư quan tâm là sản phẩm dịch vụ của bạn đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay chưa và ở quy mô nào.

Các nhà đầu tư thường chỉ bỏ vốn vào các sản phẩm được bảo hộ ở Việt Nam và những thị trường quan trọng có thể tiêu thụ được. Điều này giúp sản phẩm có thể chống được hàng giả, hàng nhái cũng như việc bảo vệ thị trường trước việc người khác có thể bắt chước để làm sản phẩm thay thế, khống chế được giá… nhất là giai đoạn đầu của các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, việc đăng ký sở hữu trí tuệ không tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng đôi khi nhận thức về vấn đề này chưa được thấu đáo.

Đưa sở hữu trí tuệ vào huấn luyện

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm gì để nâng cao nhận thức cho start-up về vấn đề quan trọng này?

Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ và một số trường đại học, hiệp hội, luật sư… có nhiều sáng kiến, thậm chí hỗ trợ miễn phí tạo ra cộng đồng về sở hữu trí tuệ.

Chúng tôi cho rằng đây là việc hết sức cần thiết. Trong giai đoạn tới, mong rằng các bên liên quan sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức, đăng ký ngay sản phẩm, công nghệ của mình ở Việt Nam cũng như các thị trường quan trọng. Đây sẽ là điểm mang tính đinh hướng chiến lược để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Về phía Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chúng tôi sẽ lồng ghép các chương trình hỗ trợ, tập huấn nội dung về sở hữu trí tuệ.

Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm chia sẻ, những bài học thực tiễn để xây dựng các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những chương trình huấn luyện này cũng sẽ lồng ghép đưa vào các nội dung của việc các cuộc thi, các buổi thuyết trình hiện nay.

Sắp tới, trong các nội dung thi, chúng tôi sẽ đưa vào một nội dung bắt buộc để các bạn trẻ quan tâm ngay khi bắt đầu khởi nghiệp về phạm vi bảo hộ, thị trường. Các bạn sẽ phải hiểu việc bảo hộ như thế nào và định hướng khai thác phát triển tài sản trí tuệ ra sao…

Start-up Việt lơ là với 'chìa khóa' mở cánh cửa phát triển bền vững ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Bkav)

Xây dựng hệ sinh thái lớn mạnh

- Thưa ông, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) do Thủ tướng ban hành có hiệu lực từ giữa tháng 5/2017. Ông đánh giá thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay sau hơn một năm triển khai Đề án này?

Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Đề án 844 đã triển khai được hơn một năm nay và cùng lúc có nhiều nhiệm vụ được triển khai từ việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đầu tư tài chính, chương trình hỗ trợ cho đến những hoạt động sự kiện để kết nối các thành phần của hệ sinh thái ở phạm vi trong nước và quốc tế.

Trong thời gian qua, nhiều nhiệm vụ triển khai tương đối tốt, đặc biệt là nhiệm vụ về nâng cao năng lực cho các chủ thể thông qua đào tạo, huấn luyện, thực hành. Nhiều sự kiện để lại ấn tượng tốt cho các start-up; những hoạt động liên kết ở khu vực ASEAN và các đối tác như Israel, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…; nhiều cơ sở hỗ trợ khu làm việc chung, các trường đại học đã xuất hiện các trung tâm khởi nghiệp mang tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, giới sinh viên đã quan tâm đến phong trào khởi nghiệp rất nhiều, và đây cũng là dấu ấn để lại tương đối tốt để lại tiền đề cho những năm tiếp theo.

- Để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thành công, theo ông, các bên liên quan như doanh nghiệp, nhà nước, nhà đầu tư cần thể hiện vai trò ra sao?

Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Để xây dựng được hệ sinh thái quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công, theo kinh nghiệm của một số nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam vai trò của chính phủ, nhà nước luôn là quan trọng để tạo ra một sân chơi, tạo ra môi trường pháp lý, thể chế, chính sách thật là thuận lợi cho cả nhà đầu tư và start-up.

Vai trò không thể thiếu được đó chính là các bạn trẻ những người có ý tưởng, có quyết tâm có hoài bão và có niềm đam mê, muốn thay đổi cách tiếp cận mô hình kinh doanh mới. Lực lượng trẻ cần có những cách tiếp cận với thị trường nước ngoài và phải trau dồi về ngoại ngữ để có khả năng kết nối vói nguồn vốn lớn.

Hiện nay, các nhà đầu tư trong nước cũng bắt đầu quan tâm từ các doanh nhân thành công, cho đến quỹ, các tập đoàn cũng thấy được các tiềm năng. Tuy nhiên, đầu tư mạo hiểm chưa thành xu hướng đầu tư lớn như ở các nước khác. Bởi vậy, cần có chính sách để cuốn hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này.

Để kết nối thành công xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, hoạt động liên kết liên thông môi trường từ bên ngoài, đặc biệt là khu vực ASEAN và các trung tâm khởi nghiệp lớn trên thế giới, sẽ là điểm mà chúng tôi cần tập trung cho giai đoạn tới.

- Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai Đề án 844 thế nào?

Tiến sỹ Phạm Hồng Quất: Trong 6 tháng cuối năm của năm 2018, chúng tôi sẽ tiến hành một số sự kiện mang tầm quốc tế như kết nối với Ủy ban người Việt ở nước ngoài để tổ chức sự kiện kết nối các nhà đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng của Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ liên kết tổ chức các sự kiện Techfest vùng, thúc đẩy liên kết vùng và lấy trung tâm trọng điểm là các trường đại học, đây là nơi cung cấp nguồn lực quan trọng. Vào tháng mộtmột, chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện Techfest quốc tế thu hút các start-up, nhà đầu tư, các lãnh đạo, cấp địa phương của các nước ASEAN tham dự. Thực tế, Việt Nam cũng đã bắt đầu thể hiện được vai trò của mình trong hệ sinh thái cấp khu vực.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ cử các đoàn tham dự các sự kiện ở các quốc gia trong khu vực để xây dựng nền tảng phát triển hệ sinh thái online ở phạm vi ASEAN. Điều này sẽ giúp cho nguồn lực trong nước sẽ được chia sẻ và tiếp cận nguồn thông tin từ những nước đã có kinh nghiệm…

- Xin cảm ơn ông!

Tiến sỹ Phạm Hồng Quất nói về vai trò của sở hữu trí tuệ với start-up.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục