Steve Jobs: Điều gì đã làm nên một huyền thoại?

Nhà sáng lập Apple, Steve Jobs là giám đốc điều hành duy nhất trên thế giới được yêu mến không khác gì một ngôi sao nhạc pop.

Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện Steve Jobs từ chức giám đốc điều hành tại Apple mới đây lại thu hút được nhiều sự chú ý đến như thế, và thậm chí còn được coi là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử công nghệ thông tin.

Điều đầu tiên, Jobs chính là người đã cứu Apple trên bờ vực phá sản vào giữa những năm 1990. Khi Jobs trở lại năm 1996, công ty đang ở giữa dòng, loay hoay không biết làm gì với những giám đốc điều hành tầm thương không tầm nhìn, không chiến lược và không có kế hoạch hành động cụ thể.

Jobs trở lại vì Apple khi đó vừa mua NeXT, công ty máy tính Jobs đã lập nên sau khi bị đá khỏi ban quản trị Apple vào năm 1985. Với việc mua lại NeXT, Apple có được hai điều lợi. Một là phần mềm OS X được sử dụng gần như trong mọi sản phẩm của họ kể từ đó. Và hai là Jobs, “giám đốc điều hành lâm thời” với mức lương tượng trưng 1 USD mỗi năm. 15 năm sau, Apple đã là công ty giá trị nhất thế giới.

Thật vậy, Jobs là giám đốc điều hành duy nhất trên thế giới được yêu mến không khác gì một ngôi sao nhạc pop và Apple là một công ty hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi tính cách cá nhân của ông, như Bill Gates với Microsoft.

Apple, dưới ảnh hưởng của Jobs, đã trở thành hãng thiết kế công nghệ cao số một thế giới và là một công ty làm ăn cực kỳ hiệu quả. Cùng lúc, hãng không chỉ hoàn tất giấc mơ về những sản phẩm đẹp đẽ, tiện lợi và mang tính đột phá, họ còn làm việc đúng tiến độ, thu lãi cao và liên tục mở rộng thị trường.

Thành công của Apple đặc biệt nổi bật khi so sánh họ với những ông trùm công nghệ khác, như Hewlett Packard, RIM hay Microsoft. Trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực này luôn là ở ranh giới công nghệ mà một bước đột phá sẽ khiến mọi đối thủ bị bỏ lại phía sau, Apple đã dẫn trước liên tục trong thời kỳ mà Jobs tại vị.

Quỹ tiền mặt của hãng bây giờ là 78 tỉ USD, nhiều hơn cả chính phủ Mỹ, đủ để mua lại Tesco và BT, và không hề nợ một đồng nào. Lối kinh doanh bền vững đó đạp đổ mọi lý thuyết của thứ chủ nghĩa tư bản theo kiểu sòng bạc về tỉ lệ đòn bẩy tài chính hay suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu mà các thạc sĩ quản trị kinh doanh vẫn được đào tạo ở Hoa Kỳ và đang lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của nước này.

Và cuối cùng, dưới thời Jobs, Apple giờ đang dẫn đầu trên hàng loạt các thị trường của tương lai, máy tính bảng, nhạc trực tuyến, thiết bị di động và điện thoại thông minh.

Thậm chí Steve Jobs còn tạo ra ảnh hưởng với nhiều thế hệ công nghệ cao. Những ai trưởng thành trong các năm 1980 sẽ coi Apple Macintosh là chiếc máy tính làm thay đổi cuộc đời họ. Những thế hệ trẻ hơn sẽ liệt kê iMac, iTunes và iPod. Còn ngay lúc này, là iPhone và iPad.

Những giá trị của các sản phẩm đó cũng chính là giá trị của Jobs, ông luôn nhìn mọi thứ dưới con mắt của cảm hứng và cuộc đời, như khi Jobs thuyết phục John Sculley, giám đốc điều hành Pepsi, gia nhập Apple. “Anh có thực sự muốn cả đời ngồi bán nước pha đường không?,” Jobs nói. “Hay anh muốn làm thay đổi thế giới?”

Jobs đặc biệt điên cuồng khi ông bắt tay vào công việc thiết kế. Khi cả ngành công nghiệp máy tính còn đang sản xuất những chiếc hộp hình chữ nhật bằng kim loại xám xịt, ông đã nghĩ ra những hình mẫu khác. Với ông, vẻ ngoài của các sản phẩm của Apple phải như một chiếc Porsche, hoặc một món ăn ở nhà hàng năm sao, về mặt nghệ thuật.

Xét trên khía cạnh đó, ông hoàn toàn đối lập với những giám đốc điều hành đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành xuất thân từ các trường quản trị kinh doanh. “Giải pháp của Apple không phải là cắt giảm chi phí”, ông nói năm 1996, khi công ty đang lâm nguy. “Giải pháp của Apple là sáng tạo để vượt qua thời kỳ khó khăn này”.

Chính vì thế, mỗi khi ông giới thiệu những sản phẩm mới của Apple kèm theo những tính từ như “kinh ngạc,” “tuyệt đẹp,” “mê hồn,” các thính giả không thấy trơ trẽn và đậm màu quảng cáo như với các công ty khác. Jobs nói điều đó từ trái tim ông./.

 
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục