"Sự an toàn của người dân được đặt lên hàng đầu"

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trong việc triển khai xây nhà máy điện hạt nhân, sự an toàn của người dân được đặt lên hàng đầu.
Chiều 13/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến vào Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến tại hội trường, cơ bản nhất trí tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận.

Các đại biểu cho rằng, nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả cao, nhưng vốn lớn, yêu cầu an toàn cao, trước mắt phải nhập khẩu 100% nhiên liệu, vì thế cần chọn lộ trình, kỹ thuật công nghệ, phương án đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp với khả năng đất nước và xu hướng phát triển của quốc tế.

Các đại biểu cho rằng, trước mắt, Chính phủ chỉ nên xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với công nghệ thế hệ thứ 3 trở lên, sau đó tùy tình hình thực tế sẽ quyết định xây dựng tiếp các nhà máy khác, để tránh áp lực về nguồn vốn đầu tư, có cơ hội tận dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và có thời gian để tích lũy kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực.

Đại biểu Hoàng Ngọc Thái, Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết, Hội đồng Nhân dân xã, huyện và nhân dân địa phương đã nhất trí đồng thuận cao với chủ trương đặt nhà máy tại địa phương mình.

Theo các đại biểu, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi đầu tư lớn nên cần xem xét về tác động, ảnh hưởng từ sự vay vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, vấn đề công nghệ, nguồn nhân lực cũng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách, chương trình cụ thể về công tác tái định cư, dạy nghề cho người dân địa phương nơi đặt nhà máy, tạo điều kiện cho người dân có đời sống tốt hơn nơi ở mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người dân trong khu vực về tính hiệu quả, an toàn của nhà máy điện hạt nhân.

Chung ý kiến với nhiều đại biểu, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk), Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng là cần thiết, nhưng cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Các đại biểu rất quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân và cho rằng nên giao nhiệm vụ đào tạo cho Đại học Bách khoa Hà Nội - nơi có kinh nghiệm đào tạo những ngành nghề khoa học kỹ thuật trình độ cao. Các đại biểu cũng đề cập đến việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực người Việt ở nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu ý kiến đóng góp, góp ý của các đại biểu Quốc hội và khẳng định vấn đề an toàn của người dân luôn được đặt lên hàng đầu trong việc triển khai xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Theo quy định, hiện nay dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn đang ở giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, xin chủ trương của Quốc hội vì thế nhiều vấn đề đại biểu quan tâm nằm ở phần báo cáo khả thi. Sau này, nếu Quốc hội thông qua chủ trương, các vấn đề đại biểu quan tâm sẽ được báo cáo, làm rõ ở báo cáo khả thi.

Về vấn đề lựa chọn công nghệ cho nhà máy, các đơn vị phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo hiện đại, tiên tiến, đã được kiểm chứng, hiệu quả và an toàn.

Về việc lựa chọn địa điểm, sau một thời gian khá dài nghiên cứu, khảo sát, Chính phủ nhận thấy hai địa điểm ở Ninh Thuận đảm bảo hội đủ mọi điều kiện đáp ứng hơn 30 tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Chính phủ đã chỉ đạo triển khai chương trình tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng sẵn có và phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo tính toán, việc tiết kiệm năng lượng tối đa đạt được 20%, nhưng cần có quá trình và mức đầu tư tương ứng. Chính phủ đề nghị triển khai 2 nhà máy, nhằm tận dụng cơ hội thu hút đầu tư các nhà đầu tư công nghệ cao, có công nghệ nguồn về hạt nhân.

Về phương án xử lý chất thải và chủ động nguồn nguyên liệu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, những vấn đề này Chính phủ sẽ báo cáo chi tiết trong báo cáo khả thi, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương.

Các nhà đầu tư phải đảm bảo cam kết cung cấp nhiên liệu lâu dài, có khả năng cung cấp tín dụng cho vay.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các ban, ngành, địa phương làm tốt công tác di dân tái định cư, đảm bảo để người dân có cuộc sống tốt hơn chỗ ở cũ cả về vật chất lẫn tinh thần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục