Sự cảm thông: Xa xỉ cho những người lạc giới?

Có cách nào giúp người nữ yêu nữ nhẹ nhõm hơn, cách nào giúp họ bớt đi gánh nặng bạo lực, kỳ thị, làm sao giúp họ hòa nhập cộng đồng...?
Trong ba ngày hội dành cho người nữ yêu nữ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đầu tháng Tám vừa qua (Viet Pride-một phiên bản nhỏ của Pride festival nối tiếng trên thế giới), tôi được chứng kiến những cái nắm tay không rời, những ánh mắt sáng bừng không còn ngượng ngập, những đôi vai thẳng đầy tự tin và dõng dạc nói “vâng, tôi là đồng tính nữ…"

Giữa không gian của Viện Goethe Hà Nội, chưa bao giờ tôi thấy “bí mật” lại được công khai một cách xúc động với nhiều mối đồng cảm đến thế. Những ẩn ức, tổn thương và những khát khao được phơi bày đã lấy đi bao giọt nước mắt (mà tôi tin nó có vị đắng ngắt) không chỉ của nhóm người nữ yêu nữ mà còn của cả các chuyên gia và hàng trăm vị khách mời ngày hôm đó.

Bài 1: {Ước vọng đời thường của những khát khao lạc giới}

Bài 2: {Những đứa con bị "giời đày" trong bão táp dư luận}

Những trái tim bơ vơ…

Với những bậc làm cha mẹ, tôi biết họ chỉ vui khi con cái được yêu thương, được sống trong tự do và không sợ hãi. Vì thế, khi có con là người có xu hướng tình dục thiểu số, họ sẽ phải đứng trước bao thách thức. Sợ con không an toàn, sợ con không hạnh phúc, bị kỳ thị, ghét bỏ và có thể vấp ngã trên đường đời…

"Là cha mẹ của người đồng tính nữ, song tính và chuyển giới nghĩa là sẽ phải dũng cảm hơn để bảo vệ con mình, phải nhiều yêu thương hơn để che chở con mình khi chúng gặp khó khăn ngoài xã hội," Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ.

Bà Vân Anh cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, Viet Pride chính là thời điểm chín muồi để cộng đồng nữ yêu nữ lộ diện và khẳng định giá trị bản thân với xã hội Việt Nam vốn có quan niệm khắt khe trước những gì được cho là trái tự nhiên. Hẳn sự kiện này đã tạo nên một cú hích mạnh mẽ vào “quả bóng” dư luận đồng tính nữ.

Như mọi người biết, trong quá khứ, đồng tính từng bị coi là rối loạn tâm lý, là một căn bệnh... Do các chuyên gia sức khỏe tâm thần và cả xã hội từng có những thông tin và nhìn nhận sai lầm và do họ chỉ nghiên cứu trên những người đồng tính vốn đang phải điều trị tâm lý.

Thế nhưng từ thập niên 70 của thập kỷ XX, ở Mỹ, các nhà tâm thần học, tâm lý học và các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã khẳng định đồng tính không phải là bệnh, rối loạn tâm lý hay vấn đề về cảm xúc.

Còn ở Việt Nam, chưa có một cuộc nghiên cứu nào được tiến hành để khẳng định số người đồng tính là bao nhiêu. Nhưng theo Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, tiến sỹ Khuất Thu Hồng: “Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ đồng tính trong dân số khá ổn định, nó dao động trong khoảng trên dưới 2%. Trong một nghiên cứu gần đây nhất chúng tôi thực hiện với hơn 5000 người thì có 1,2% số nữ giới được hỏi cho biết họ bị hấp dẫn bởi người cùng giới.”

Điều ấy cũng có nghĩa, nhiều khả năng 1,2% đó sẽ nằm trong nhóm người thiểu số thường xuyên phải chịu sự kỳ thị thậm chí là bạo lực (cả tinh thần và thể chất) của cộng đồng.

Như câu chuyện của Phúc (22 tuổi) ở Hà Nội kể về những tháng ngày đi học với giọng ngậm ngùi. Với Phúc, giảng đường không phải là thánh đường mà nơi đó là địa ngục trần gian, nơi chỉ toàn những dè bỉu, miệt thị và những trận đòn oan vì “ngứa mắt” của chúng bạn…

Tôi biết, ở đâu đó ngoài kia vẫn còn nhiều lắm những số phận như Phúc, với trái tim nhỏ bé thương tổn, thân thể nhức nhối vì đòn roi và tâm hồn lạnh lẽo vì thiếu niềm thương cảm.

Thực tế, nếu không có mối quan hệ quen thân với ít nhất một hoặc nhiều hơn một nữ yêu nữ thì người bình thường thời gian đầu khó có thể có thái độ tích cực với nhóm cộng đồng thiểu số này.

Cũng vì lý do đó mà nghiên cứu có tiêu đề “Answers to Your Questions About Sexual Orientation and Homosexuality” (Trả lời cho câu hỏi của bạn về định hướng tình dục và đồng tính luyến ái) của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) chỉ ra, thái độ tiêu cực về nhóm người đồng tính nói chung thực chất cũng là những định kiến và những định kiến này xuất phát từ hiểu lầm, thói quen định khuôn chứ không dựa trên trải nghiệm có thực.

Có lối nào hòa nhập?


Nếu người đồng tính nói chung đa phần đều nhạy cảm và dễ tổn thương thì những người nữ yêu nữ lại càng mong manh, yếu ớt khi phải đối mặt với dư luận xã hội.

Trong câu chuyện với những người nữ yêu nữ tôi nhận ra, ban đầu hầu hết họ đều mặc cảm, thậm chí tự kỳ thị mình và đều vô cùng dằn vặt, khó khăn khi quyết định bước ra ngoài “ánh sáng.”

Tôi tự hỏi, có cách nào giúp họ nhẹ nhõm hơn không, cách nào giúp họ bớt đi gánh nặng bạo lực, kỳ thị từ cộng đồng và làm sao giúp họ hòa nhập với xã hội…?

“Tôi nghĩ giải pháp căn bản quan trọng và bền vững nhất là chúng ta phải nâng cao được nhận thức, kiến thức và hướng đến thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, đặc biệt là những người làm công tác trực tiếp liên quan tới người đồng tính nữ như nhân viên y tế, tư vấn viên, các tổ chức xã hội về đồng tính nữ… Khi họ hiểu đồng tính không phải là bệnh, là tệ nạn xã hội thì sẽ không kỳ thị, sẽ không còn bạo lực và những hình thức đối xử làm tổn hại đến thể chất và tinh thần những người đồng tính nữ,” tiễn sỹ Khuất Thu Hồng đã chia sẻ với tôi như vậy.

Theo bà Hồng, mặc dù luật pháp Việt Nam không có điều khoản nào cấm đồng tính nữ hay đồng tính nam, chỉ cấm hôn nhân đồng tính, nhưng vì tình trạng kỳ thị và bạo lực vẫn xảy ra nên những điều luật liên quan cũng phải nhấn mạnh việc bảo vệ người đồng tính khỏi sự kỳ thị, phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục của họ.

“Cần có quy định cụ thể cách xử phạt những người dùng bạo lực với người đồng tính, bởi họ cũng là công dân có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như những công dân khác trong xã hội,” bà Hồng nhấn mạnh.

Trong khi đó, đứng ở góc độ là một người trẻ trong cộng đồng người đồng tính, Trưởng nhóm “Ước mơ tuổi trẻ” Nguyễn Tùng Vũ cho rằng, trong chương trình đào tạo giáo dục các nhà quản lý cũng nên nghiên cứu để đưa vấn đề đồng tính vào giảng dạy ở từng cấp học cho phù hợp, giúp thế hệ trẻ nhìn nhận đúng đắn hơn về vấn đề này.

Bà Vân Anh cũng bày tỏ niềm tin, lịch sử của người đồng tính, song tính và chuyển giới đã bước sang một trang mới, dư luận xã hội đang dần thấu hiểu và cởi mở hơn, những người làm luật cũng cập nhật kiến thức để có thể chỉnh sửa những điều luật cho tiến bộ hơn.

Mới đây Bộ Tư pháp đã gửi công văn lấy ý kiến các tổ chức xã hội về việc sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trong đó đề cập đến vấn đề mở rộng đường cho hôn nhân đồng tính. Những quy định này chưa biết rồi sẽ thay đổi ra sao trong kỳ họp Quốc hội tới nhưng điều đó cho thấy thái độ tiêu cực hay định kiến xã hội đối với người đồng tính đã và đang dần được cởi bỏ.

Liệu rằng từ đây, chặng đường hòa nhập với cộng đồng của những người nữ yêu nữ có dễ dàng hơn, xã hội có bớt kỳ thị, bớt bạo lực đối với những đứa con bị “giời đày” này và có thừa nhận họ là một phần của đời sống tự nhiên…? Câu trả lời hẳn sẽ phụ thuộc vào thái độ sống của mỗi chúng ta!

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục