Sự cần thiết gia tăng tầm quan trọng của Nghị viện khu vực ASEAN

Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị Jurgen Ruland, phụ trách Chương trình Đông Nam Á, Đại học Freiburg (Đức) có bài phân tích về sự cần thiết gia tăng tầm quan trọng của nghị viện khu vực ASEAN.
Sự cần thiết gia tăng tầm quan trọng của Nghị viện khu vực ASEAN ảnh 1Toàn cảnh hội nghị AIPA lần thứ 39 tại Singapore. (Nguồn: TTXVN)

Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị Jurgen Ruland, phụ trách Chương trình Đông Nam Á thuộc Đại học Freiburg (Đức) đã có bài viết phân tích về sự cần thiết có một nghị viện khu vực ASEAN đăng trên báo The Nation của Thái Lan.

Theo ông Jurgen Ruland, trong quan điểm của nhiều nhà quan sát, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một câu chuyện thành công của hội nhập khu vực.

Bất chấp việc các thành viên có sự đa dạng rất lớn, tổ chức gồm 10 quốc gia này thường được ca ngợi như là cơ cấu tự cường quản lý an ninh khu vực, xây dựng thể chế, cung cấp tiêu chuẩn và là khối kinh tế năng động.

Tuy nhiên, những người chỉ trích phàn nàn về bản chất nhà nước là trung tâm và nhóm tinh hoa của ASEAN. Đối với họ, ASEAN là một tổ chức thiên về điều hành. Hiến chương ASEAN đã đáp lại những chỉ trích đó, cam kết biến ASEAN thành một tổ chức hướng về người dân.

Một cách để chủ nghĩa khu vực trở nên bao trùm hơn là củng cố các nghị viện khu vực. Ở phương Nam, MECOSUR (Khối thương mại Nam Mỹ), ECOWAS (Cộng đồng kinh tế Tây Phi) và Cộng đồng Đông Phi đã thành lập các nghị viện khu vực với một chút năng lực, bao gồm các chức năng lập pháp, giám sát và ngân sách.

ASEAN đã thành lập các chế định nghị viện khu vực ngay từ năm 1977. Và câu hỏi là tại sao Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO) lại được thành lập?

Câu trả lời rất đơn giản: để tạo vẻ bên ngoài cho ASEAN và khiến cho tổ chức này được nhìn nhận tốt hơn trong con mắt của các nhà viện trợ phát triển phương Tây. Năm 2007, AIPO được đổi lên là Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA).

Tuy nhiên, AIPA không phải là một phần của cấu trúc thể chế ASEAN. Định chế này chỉ được liệt kê là một “thực thể đi kèm với ASEAN.”

Việc đổi tên không đồng nghĩa với việc gia tăng quyền lực. Vào năm 1977, AIPA vẫn là một định chế tham vấn và khuyến nghị, họp mỗi năm một lần trong vài ngày trong khuôn khổ Đại hội đồng.

Mỗi nghị viện thành viên chỉ định 15 nhà lập pháp, bao gồm chủ tịch Hạ viện, tham gia phiên họp Đại hội đồng thường niên.

Các đoàn khó mang tính đại diện vì các chế độ chuyên chế thường có xu hướng cử các nghị sĩ thân cận với chính phủ.

Thường có thay đổi trong các đoàn, điều ngăn cản định chế nghị viện khu vực phát triển thành một cơ cấu mạnh.

Các nghị quyết mà Đại hội đồng ban hành phần lớn là khẳng định những quyết định được các chính phủ thành viên ASEAN đưa ra trước đó.

AIPA do đó là bộ phận khăng khít của chủ nghĩa nghiệp đoàn khu vực mà định chế này đóng vai trò như là băng chuyền cho việc xã hội hóa các quyết định và chính sách của ASEAN trong các nghị viện quốc gia.

Những kêu gọi liên tiếp nhằm nâng cấp AIPA thành một nghị viện khu vực chính thức có đầy đủ tư cách đến từ Philippines, một trong số các quốc gia được cho là có hệ thống chính trị cởi mở hơn trong khu vực.

Thế nhưng, những đề nghị như vậy thường bị bác bỏ bởi số đông các thành viên ASEAN, giao lại cho các ủy ban theo một cách thức giữ thể diện là để nghiên cứu thêm.

Để AIPA đáp ứng nhiệt tình hơn phần lớn lại là do ban lãnh đạo của định chế này. Tổng thư ký đương nhiệm Isra Sunthornvut, một cựu nghị sỹ của đảng Dân chủ ở Thái Lan, đang cố gắng trong nhiệm kỳ ba năm của mình tăng cường tính thích đáng của cơ cấu này bằng cách chuyên nghiệp hóa nội bộ và tập trung vào những chủ đề cụ thể có liên quan đến tất cả các nước ASEAN.

[ASEAN cần những bước đi táo bạo mới để thành công trong tương lai]

Tuy nhiên, sự ổn định của những tiến bộ đó phụ thuộc vào việc liệu ban lãnh đạo kế nhiệm có chia sẻ ưu tiên này hay không.

Những cải cách nội bộ của AIPA là đáng hoan nghênh, nhưng chưa đủ. Thậm chí trong các tổ chức khu vực dựa trên thuyết liên chính phủ và chủ quyền như ASEAN, các chính sách của nhóm này có tác động đến một phần dân cư ngày càng đông đảo.

Khu vực Tự do Thương mại ASEAN (AFTA) và thậm chí hơn nữa là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tác động mạnh mẽ đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các nước thành viên với những hậu quả sâu rộng đối với việc làm.

Các cộng đồng nông thôn và người nghèo thành thị trong quá trình thực hiện những dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quy mô lớn, ví dụ như trong Kế hoạch Tổng thể ASEAN về Kết nối, đối mặt với việc mất nhà cửa và tái định cư.

Các chính sách về di cư lao động cũng tác động sâu tới thu nhập, cuộc sống và phúc lợi của những bộ phận dân cư lớn.

Trong những hoàn cảnh đó, các tổ chức khu vực phải trở nên bao trùm và có trách nhiệm giải thích hơn. Đối với AIPA, cải cách điều đó sẽ có nghĩa là trao cho định chế này những chức năng giám sát.

Với quyền chất vấn nghị viện, định chế này có thể mời các ngoại trưởng, các quan chức cao cấp và các quan chức của Ban Thư ký ASEAN xuất hiện trong những phiên họp của AIPA để giải thích và bảo vệ các quyết định.

Một cách tiến tới khác là gia tăng các cuộc họp của AIPA, ví dụ trên cơ sở hai tháng một lần. Điều này sẽ mang lại thêm sự thích đáng cho AIPA, cả trong quan điểm của các nghị sỹ lẫn những nhà hành pháp ASEAN.

Các đoàn quốc gia cũng nên phản ánh cán cân chính trị thực sự trong quốc hội của họ. Hơn nữa, các cuộc họp giữa lãnh đạo và các nhà lập pháp phải trở thành một sự kiện thượng đỉnh mang tính bắt buộc và phải trở nên tương tác hơn trong định dạng hiện nay.

Và cuối cùng, việc phân bổ ngân sách nhiều hơn để thực hiện những hoạt động có ý nghĩa hơn cũng là một bước cần thiết để gia tăng tầm quan trọng và tầm nhìn của AIPA./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục