Sự cạnh tranh giữa các siêu cường báo hiệu tương lai thù địch

Báo cáo của Hội nghị an ninh Munich nhận định sự cạnh tranh mới giữa các siêu cường toàn cầu như Trung Quốc, Mỹ và Nga báo hiệu thế giới sẽ đối mặt với một tương lai khó đoán định và thù địch hơn.
Sự cạnh tranh giữa các siêu cường báo hiệu tương lai thù địch ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị An ninh Munich lần thứ 54. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, báo cáo có nhan đề "Câu hỏi lớn: Ai sẽ nhặt được mảnh ghép?" với mục đích vạch ra chương trình nghị sự cho lãnh đạo tới dự Hội nghị An ninh Munich thường niên sắp diễn ra, nhận định rằng một thời kỳ cạnh tranh mới giữa các siêu cường toàn cầu như Trung Quốc, Mỹ và Nga báo hiệu thế giới sẽ đối mặt với một tương lai khó đoán định và thù địch hơn.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến sẽ tới tham gia sự kiện trên được tổ chức tại thủ phủ của bang Bayern.

Hội nghị An ninh Munich diễn ra sau khi hồi đầu tháng này, Washington tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được ký kết với Nga.

Báo cáo có đoạn viết: "Xét tới quan điểm chiến lược thịnh hành tại Washington, Bắc Kinh và Moskva, dự đoán về một kỷ nguyên cạnh tranh mới giữa các siêu cường đang dần rõ ràng hơn. Nếu mọi người đều chuẩn bị cho một thế giới thù địch, thì viễn cảnh này gần như đã được lường trước... Giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh? Và sự lạc quan gắn liền với nó? đã dần đi tới hồi kết. Tuy nhiên không rõ trật tự mới nào sẽ nổi lên... và liệu giai đoạn chuyển tiếp có bình yên hay không." 

Trong khi đó, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Washington, kêu gọi chính trị gia từ các cường quốc tầm trung trong đó có Liên minh châu Âu (EU) làm nhiều hơn để duy trì một trật tự quốc tế tự do.

[Thượng nghị sỹ Mỹ đề xuất lập siêu hạm đội đối phó Trung Quốc và Nga]

Trong một cuộc phỏng vấn báo chí, ông Ischinger đề xuất kho vũ khí hạt nhân của Pháp cần đóng vai trò bảo vệ cho toàn bộ EU chứ không chỉ riêng nước Pháp.

Điều này có nghĩa các nước thành viên EU sẽ phải chia sẻ chi phí để duy trì kho vũ khí hạt nhân của Pháp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị vào cuối tuần này, đang tận dụng nhiệm kỳ cuối để tập trung vào chính sách đối ngoại nhằm bảo vệ và củng cố chủ nghĩa đa phương.

Tuy nhiên, theo báo cáo trên, cả Berlin và Paris cần phối hợp cùng nhau hiệu quả hơn để thúc đẩy năng lực của một khối EU "chuẩn bị qua loa" nhằm đối phó với sự cạnh tranh gia tăng giữa các siêu cường.

Đề cập vấn đề Brexit, báo cáo cho rằng "tiến trình Brexit sẽ tiếp tục gây tổn thương cho cả hai bên của Eo biển Manche trong những năm tới"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục