Sử dụng vệ tinh quan sát trái đất để phòng chống biến đổi khí hậu

Hệ thống vệ tinh do VNSC thực hiện sẽ đảm bảo việc quan sát trái đất trong trường hợp thảm họa khẩn cấp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu; xây dựng và xử lý các dữ liệu giám sát, cảnh báo thiên tai.
Sử dụng vệ tinh quan sát trái đất để phòng chống biến đổi khí hậu ảnh 1Đội ngũ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm nhiệt chân không cho vệ tinh MicroDragon. (Ảnh: VNSC)

Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” được triển khai bằng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam sẽ tăng cường phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường bằng công nghệ vũ trụ.

[MicroDragon, vệ tinh do người Việt chế tạo lên quỹ đạo vào tháng 12]

Thông tin trên được đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chiều thông tin vào chiều 18/10. Dự án do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020,” trong đó cụ thể thực hiện các nhiệm vụ “làm chủ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; đào tạo được đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.”

Dự án bao gồm 3 thành phần chính: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Chế tạo và phóng 01 vệ tinh nhỏ LOTUSat-1 quan sát trái đất sử dụng công nghệ radar; Phát triển nguồn nhân lực về công nghệ vũ trụ.

Theo các chuyên gia, hiện nay muốn chụp ảnh một khu vực nào đó chúng ta phải đặt hàng, sau đó ít nhất 16 tiếng cho ảnh thương mại, ít nhất 3 ngày cho ảnh miễn phí ta mới nhận được, còn nếu chúng ta có vệ tinh quan sát trái đất riêng, mọi việc sẽ được hoàn tất sớm nhất có thể trong vòng 6 tiếng đồng hồ.

Trong khi đó, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC cho hay, hệ thống vệ tinh do VNSC thực hiện sẽ đảm bảo việc quan sát trái đất trong trường hợp thảm họa khẩn cấp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường; hỗ trợ dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Để hoàn thành mục tiêu này, Dự án “đã lựa chọn sử dụng vệ tinh radar có khẩu độ tổng hợp (SAR) với độ phân giải cao cùng Hệ thống trạm mặt đất thu nhận, xử lý và ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh.

Hệ thống vệ tinh SAR là hệ viễn thám dùng cảm biến chủ động, có ưu điểm như sau như có khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng đâm xuyên-phân biệt tính chất vật liệu bề mặt, nhạy với công trình đối tượng nhân tạo thông qua khả năng thu thập thông tin hấp thụ và phản xạ tín hiệu vô tuyến…

Dự kiến, vệ tinh LOTUSat-1 nặng hơn 500kg sẽ được tiến hành thiết kế, chế tạo trong khoảng thời gian từ 2019-2023.

Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án, trong hạng mục phát triển nguồn nhân lực, 36 kỹ sư Việt Nam đã được học tập và cấp bằng thạc sỹ về công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản. Trong quá trình học tập, các kỹ sư này cũng trực tiếp nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh nhỏ MicroDragon với mục đích quan sát biển. Theo kế hoạch, vệ tinh này sẽ được phóng lên quỹ đạo vào tháng 12/2018./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục